Nhiều người cho rằng uống nước cam tốt cho sức khỏe nên dùng liên tục mà không biết mình đang mắc phải một sai lầm nguy hiểm.
Khi số lượng F0 tăng nhanh, người người nhà nhà đổ xô nhau bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng, phòng và trị bệnh. Cách bổ sung vitamin C đơn giản nhất được nhiều người áp dụng là uống nước cam. Thậm chí co người uống cả sáng, trưa, chiều để bổ sung vitamin C, mong sớm “đuổi” Covid-19 ra khỏi cơ thể. Ngoài bổ sung vitamin C từ trái cây như cam, nhiều người còn tiếp tục bổ sung vitamin C sủi và uống thêm cả các loại vitamin tổng hợp.
Nhiều F0 mắc sai lầm khi uống quá nhiều nước cam
TS BS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ trên Infonet rằng lạm dụng vitamin C và uống quá nhiều nước cam sẽ không tốt, thậm chí còn đi ngược lại với khuyến nghị của bác sĩ.
Nước cam là loại đồ uống giàu dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như chống lão hóa, ổn định huyết áp, cải thiện lưu thông máu, cải thiện cảm lạnh, tăng cường mạch máu, giảm cholesterol, thúc đẩy đốt cháy chất béo, tăng cường miễn dịch, giảm mệt mỏi, ngừa bệnh… Tuy nhiên, trong quả cam có chứa nhiều đường đơn. Vì vậy, khi uống nhiều nước cam để nạp vitamin C thì bạn đã vô tình đẩy thêm nhiều đường vào cơ thể.
Theo khuyến nghị, một người trưởng thành chỉ nên sử dụng 200-300 gram trái cây/này. Như vậy, một F0 uống tới 3-4 cốc nước cam một ngày có khi thêm vài thìa đường thì tác dụng của nước cam hoàn toàn ngược lại.
TS Hưng ước tính lượng đường trong một cốc nước cam hỗn hợp (200ml) là khoảng 20 gram đường. Trong khi đó, người trưởng thành tùy theo mức năng lượng nạp vào cơ thể mà lượng đường cơ thể cần chỉ khoảng 40-50 gram/ngày. Vì vậy, uống một cốc nước cam nghĩa là bạn đã tiêu thụ một nửa lượng đường cho phép mỗi ngày.
Không chỉ với người lớn, trẻ nhỏ cũng tương tự. Lượng đường tiêu thụ mỗi ngày với trẻ nhỏ ít hơn so với người lớn. Việc tiêu thụ nhiều đường với trẻ nhỏ có thể gây thừa cân, rối loạn chuyển hóa.
Những người nên hạn chế uống nước cam
TS Hưng cho biết người bệnh thường có tâm lý ai mách gì đều làm theo và đều nghĩ trái cây hay thực phẩm chức năng lành tính nên không bổ chỗ nọ thì bổ chỗ kia. Vì vậy, nhiều trường hợp F0 bị rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, buồn nôn, chóng mặt chỉ vì lạm dụng các loại vitamin chống Covid-19.
Khi bị Covid-19, nếu bạn đang bị viêm loét dạ dày, trá tràng hoặc viêm tuyến tụy, dạ dày dễ kích ứng thì không nên uống nước cam. Loại đồ uống này có thể làm tăng axit trong dạ dày, gây ra ợ nóng và làm chứng viêm loét nặng thêm.
Ngoài ra, khi uống nước cam, người bệnh cần tránh uống lúc đói vì nước cam có nhiều vitamin C, uống khi bụng rỗng sẽ gây kích thích niêm mạc dạ dày, làm bụng thêm cồn cáo, đói hơn. Về lâu dài, nó có thể gây ra viêm loét dạ dày, tá tràng.
Người bị tiêu chảy nếu uống nước cam thì nên uống ít và phải pha loãng vì nước cam có tác dụng nhuận tràng.
Nên uống nước cam nguyên chất hay pha loãng?
BS Hưng cho biết việc nên uống nước cam nguyên chất hay pha loãng là tùy theo sở thích của mỗi người. Dù uống nguyên chất hay pha loãng thì điều quan trọng là phải uống đủ.
Nếu một quả cam vắt pha loãng thành một cốc to thì lượng cam và đường vẫn vậy. Còn uống nguyên chất cả cốc to thì có thể gây thừa đường trong cơ thể. Nếu pha loãng nhưng lại thêm đường thì cũng không tốt như mong muốn.
Theo BS Hưng, khi trở thành F0, nếu muốn bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng thì chỉ cần tập trung vào việc ăn uống đủ và đúng cách là đã đáp ứng đủ nhu cầu vitamin C của cơ thể. Việc ăn đúng là ăn khoảng 400-500 gram rau xanh và trái cây mỗi ngày. Muốn bổ sung vitamin C thì nên tìm rau củ giàu vitamin C như ớt chuống, bông cải, cải xanh, ổi, cam… và phải ăn đủ hàm lượng.
Theo chuyên gia, F0 không cần phải mua cả chục cân cam hay vài chục quả dừa để uống hàng ngày với mong muốn diệt virus.