Hiện nay, số ca bệnh Covid-19 tăng nhanh mỗi ngày. Trong số đó có cả trường hợp tái nhiễm ngay khi vừa khỏi bệnh chưa đầy 1 tháng.

Hiện nay, biến chủng lưu hành chính ở Hà Nội là Omicron. Dù số lượng ca mắc vẫn đang trên đà tăng cao mỗi ngày nhưng nhiều người lại có suy nghĩ nếu đã mắc biến chúng mới thì khả năng tái nhiễm sẽ thấp nên có hiện tượng chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.

Chia sẻ với Nhịp sống Việt, BSCKII Nguyễn Thu Hường – Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch Covid-19, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết có trường hợp trong gia đình có nhiều người là F0, người còn lại là F1 cố tình “thả” để nhiễm bệnh với tâm lý trước sau cũng thành F0, mắc chủng mới Omicron rồi sẽ không bị mắc lại. Tuy nhiên, theo bác sĩ, đây là một quan điểm sai lầm.

Bác sĩ Hường cho biết, thời gian gần đây, Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận khoảng 10 trường hợp tái nhiễm. Trong đó, có những bệnh nhân tái nhiễm trong vòng 1 tháng, cá biệt có trường hợp chỉ sau 15 ngày, bệnh nhân đã tái nhiễm.

F0-tai-nhiem-chi-sau-15-ngay-01

Bác sĩ phân tích 2 khả năng tái nhiễm có thể xảy ra. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân trước đó đã nhiễm chủng Delta. Sau đó, người bệnh khỏi bệnh và được tiêm vắc xin nên sinh ra tâm lý chủ quan và tiếp tục tái nhiễm với chủng mới Omicron. Trường hợp thứ hai là người bệnh đã nhiễm chủng Omicron và vẫn có thể tái nhiễm với Omicron nhưng ở nhánh khác.

Hiện nay, các nhà khoa học tìm ra 3 nhánh của Omicron bao gồm BA.1, BA.2, BA.3. Trong đó, BA.1 là chủng gốc đã lan rộng trên toàn thế giới từ tháng 11/2021. Tới thời điểm hiện tại, chủng BA.2 đang dần thay thế và trở thành biến thể chiếm ưu thế ở nhiều nước. Người đã nhiễm chủng BA.1 hoàn toàn có thể nhiễm tiếp chủng BA.2.

Theo quan điểm của bác sĩ Hường, tỷ lệ tái nhiễm ở thời điểm này với Omicron rất là cao.

Tất cả mọi người, từ già đến trẻ, nếu đã tiếp xúc với nguồn lây đều có khả năng tái nhiễm. Đặc biệt, những đối tượng có nguy cơ tái nhiễm cao là người già bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, trẻ chưa đượ tiêm vắc xin. Tái nhiễm Covid-19 hoàn toàn có thể xảy ra ở người trẻ, vì vậy chúng ta không được chủ quan. Biến chủng của virus SARS-CoV-2 liên tục thay đổi, thay tính chất miễn dịch. Khi cơ thể không nhận diện được chúng, chúng ta sẽ bị nhiễm bệnh lần nữa.

“Theo nghiên cứu nhiễm lần 2 thường nặng hơn. Bên cạnh đó, dù Omicron biểu hiện thường không nặng như chủng Delta nhưng thời gian tái nhiễm càng ngắn sẽ làm bệnh nhân mệt mỏi, kéo theo đó thời gian hậu Covid-19 dài hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể”, bác sĩ Hường phân tích.

F0 đã khỏi bệnh có kháng thể để chống lại sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nếu kháng thể không đủ mạnh cộng với tâm lý chủ quan, không tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch thì khi tiếp xúc với F0 mang biến chủng mới, người đã khỏi bệnh sẽ có nguy cơ tái nhiễm.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân, dù đã tiêm vắc xin hay bị nhiễm bệnh đều phải thực hiện tốt 5K, tự theo dõi sức khỏe của bản thân để đảm bảo mình không bị nhiễm bệnh và không phải trung gian lây nhiễm cho người khác.

Nếu thấy cơ thể có các triệu chứng như ho, sốt, mệt mỏi… hãy test nhanh để kiểm tra khả năng tái nhiễm.