Thông thường khi luộc khoai lang mọi người đều sử dụng nước, tuy nhiên một đầu bếp đã nói ra bí quyết mà anh ta đã làm tại các nhà hàng: Luộc không cần dùng nước mà khoai lại thơm ngon và giữ được nhiều chất dinh dưỡng.
Nguyên liệu:
-1 kg khoai lang
-1 nắm lá dứa
Cách làm:
– Lá dứa rửa sạch. Xếp lá dứa vào lót dưới đáy nồi sứ nhưng nhớ để lại một ít và bó thành cuộn để đặt lên trên khoai lang.
– Khoai lang rửa sạch, cho vào nồi rồi đặt cuộn lá dứa bên trên. (Lưu ý: Không để ráo nước khoai và lá dứa, phải giữ độ ẩm mới không bị khét và cháy nồi).
– Đậy nắp nồi sứ lại cho lên bếp và bật lửa, lúc này nên để lửa to (khoảng 5 phút). Khi thấy nồi tỏa nhiệt thì giảm lửa nhỏ mức thấp nhất, đun thêm khoảng 25 phút, mở nắp ra kiểm tra xem khoai đã chín chưa bằng cách thử dùng đũa lúc cắm vào khoai.
Nếu thấy đũa dễ dàng xuyên qua thì có nghĩa là khoai đã chín. Cuối cùng, tắt bếp, đậy nắp lại khoảng 5 phút cho khoai chín hoàn toàn và thưởng thức nóng.
Bí quyết đơn giản chọn khoai lang thơm ngon
Quan sát hình dáng của củ khoai: Một củ khoai lang ngon thường sẽ thon ở hai bên đầu và dày ở giữa. Ngoài ra, những củ khoai lang ngon, phần vỏ cũng sẽ có màu sắc tươi sáng, đều màu hơn so với những củ khoai không ngon.
Nhìn vỏ của khoai lang: Khi chọn mua khoai lang, không nên chọn những củ có vết xước hoặc vỏ không đều màu. Bên cạnh đó, cũng không nên chọn những củ trên vỏ có xuất hiện các đốm đen bởi những củ khoai này thường đã bị hà, thối và hư hỏng, dù giá rẻ thì các chị em cũng không nên mua.
Ngửi mùi của của khoai: Ngửi mùi của khoai lang cũng là một trong những bí quyết giúp chúng ta chọn được những củ khoai ngon, ngọt. Khi ngửi khoai, nếu thấy khoai có vị cay nồng thì chứng tỏ củ đó đã bị sâu đục khoét chúng làm cho phần thịt của khoai cay, không ăn được, loài sâu đục này còn được gọi là “sâu cay”.