Hỏi: Tôi là lao động tự do, tôi có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để có bảo hiểm y tế không? Hộ khẩu của tôi ở quê thì có thể mua bảo hiểm xã hội ở nơi đăng ký tạm trú?
Khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về giải thích từ ngữ như sau:
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về các chế độ bảo hiểm xã hội, cụ thể:
Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây: Hưu trí; Tử tuất.
Điểm 1.1 Khoản 1 Điều 3 Quyết định 595/QĐ-BHXH ban hành quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế quy định về phân cấp quản lý như sau:
1. Thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
1.1. Bảo hiểm xã hội huyện
d) Thu tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; thu tiền đóng bảo hiểm y tế của người tham gia bảo hiểm y tế cư trú trên địa bàn huyện.
Khoản 1 Điều 11 Luật Cư trú 2020 quy định về nơi cư trú của công dân như sau:
1. Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú.
Như vậy, bảo hiểm xã hội tự nguyện không bao gồm chế độ bảo hiểm y tế, trường hợp bạn vẫn muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì có thể mua bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi mình đang đăng ký tạm trú.
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2022
Đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện sẽ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản 2, Điều 87, Luật Bảo hiểm xã hội. Cụ thể mức đóng BHXH tự nguyện được quy định như sau:
Mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn
Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn được quy định:
Thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;
Cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Như vậy, mức đóng BHXH tự nguyện sẽ do người lao động tự lựa chọn tuy nhiên sẽ nằm trong hạn mức. Căn cứ theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, từ 1/1/2022 mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/tháng (năm 2021 là 700.000 đồng/tháng) Vậy mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu và tối đa như sau:
Mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu là: 22% x 1.500.000 = 330.000 đồng/người/tháng.
Mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là: 22% x (20 x 1.490.000) = 6.556.000 đồng/người/tháng.
Nhà nước thực hiện chính sách tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người tham gia, do đó năm 2022 cụ thể như trong Bảng 4 sau:
Bảng 4: Mức đóng BHXH của người tham gia BHXH tự nguyện
Do có hỗ trợ từ nhà nước mà nhiều đối tượng người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có thể tham gia BHXH. Góp phần thúc đẩy tăng tỷ lệ người dân được hưởng lương hưu khi về già. Đây là một trong những chính sách cho thấy Nhà nước đang nỗ lực để nâng cao chất lượng cuộc sống đảm bảo an sinh xã hội ngày càng tốt hơn.