Củ khoai tây là loại củ quen thuộc, xuất hiện nhiều trong mâm cơm của người Việt. Ăn đúng cách thì củ khoai tây mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy một củ khoai tây to khi đem nướng sẽ chứa lượng sắt gấp 3 lần so với 84g thịt gà. Bên cạnh đó, khoai tây còn giàu phốt pho, magie, canxi, natri, sắt và kẽm, vitamin C,…
Tại Nhật Bản, Mỹ, Thụy Điển,… người ta còn dùng khoai tây để hỗ trợ điều trị viêm gan, tim mạch. Theo như nhiều nghiên cứu thì khoai tây mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Giảm viêm
Trong cuốn sách “Thực phẩm chữa bệnh” có viết khoai tây có tính kiềm dầu và chống viêm, có thể làm dịu vết loét dạ dày và tá tràng, đồng thời làm giảm nồng độ axit trong dạ dày. Bên cạnh đó, khoai tây giúp làm giảm tình trạng sưng tấy do viêm khớp.
Cải thiện sức khỏe não bộ
Trong khoai tây có chứa axit alpha lipoic, một loại enzyme có thể giúp tăng cường sức khỏe nhận thức. Bên cạnh đó loại axit này cũng có tác dụng hữu ích đối với bệnh nhân Alzheimer.
Ngoài ra, một số vitamin và khoáng chất trong khoai tây ảnh hưởng tích cực đến chức năng của não (bao gồm kẽm, phốt pho và B complex). Trong đó, vitamin B6 đóng vai trò quan trọng giúp duy trì sức khỏe thần kinh.
Giúp thúc đẩy tiêu hóa
Nhờ có hàm lượng chất xơ cao nên khoai tây giúp tiêu hóa trơn tru hơn. Chất xơ kích thích nhu động ruột để tránh táo bón, đồng thời cũng giúp điều trị bệnh tiêu chảy do trong khoai chây có chứa nhiều kali.
Thúc đẩy giấc ngủ
Trong khoai tây có chứa tryptophan là một loại thuốc an thần tự nhiên giúp đảm bảo giấc ngủ ngon. Bên cạnh đó, trong khoai tây còn chứa kali hoạt động như một chất giãn cơ giúp cho cơ thể bạn cảm thấy thoải mái và thư giãn hơn.
Tốt cho xương
Theo chuyên gia dinh dưỡng Shilpa Arora khoai tây giàu canxi và phốt pho giúp xương chắc khỏe. Đồng thời, sắt, canxi, magie, phốt pho và kẽm trong khoai tây cũng góp phần vào việc xây dựng và duy trì cấu trúc và sức mạnh của xương.
Ngoài ra, trong khoai tây có kẽm và sắt đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất collagen – thành phần chính của da và xương.
Giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt
Một số nghiên cứu cho thấy nước ép khoai tây có thể giúp giảm bớt các triệu chứng tiền kinh nguyệt. Do có hàm lượng carb cao nên khoai tây giúp nâng cao mức tryptophan, thúc đẩy sản xuất serotonin trong cơ thể (Serotonin còn được gọi là hormone hạnh phúc). Lượng serotonin tăng đột biến này giúp cải thiện tâm trạng và giảm lo lắng.
Ngăn ngừa lão hóa
Chuyên gia hàng đầu về da và tóc ở Delhi (Ấn Độ) – Tiến sĩ Deepali Bhardwaj cho biết: “Là một bác sĩ da liễu, tôi khuyên mọi người nên sử dụng nước ép khoai tây dưới mắt. Nó có đặc tính làm săn chắc da và có thể làm giảm lão hóa sớm và nếp nhăn. Vì vùng da dưới mắt của chúng ta mỏng, nó có xu hướng nhăn nheo nhanh hơn, nước ép khoai tây có thể là một vị cứu tinh”.
Nên ăn khoai tây như thế nào?
Vì hàm lượng vitamin, khoáng chất và chất xơ trong khoai tây chủ yếu nằm ở phần vỏ nên sẽ tốt hơn nếu bạn ăn khoai tây cả vỏ.
Khoai tây nướng cả vỏ là một bữa ăn lành mạnh và đơn giản. Ăn kèm với salad và phủ cá ngừ, pho mát, đậu nướng hoặc các món yêu thích khác. Nấu chín và ăn vỏ giúp bảo toàn chất dinh dưỡng.
Khoai tây có thể được luộc với bạc hà và rắc tiêu đen, hoặc hấp để lưu giữ nhiều vitamin tan trong nước.
Để làm món salad khoai tây tốt cho sức khỏe, hãy luộc chín khoai tây mới để nguội, sau đó thêm tỏi, bạc hà tươi băm nhỏ và dầu ô liu.