Lao động nữ khi nghỉ khám thai sẽ được hưởng chế độ nếu cung cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH chuẩn.
Mẫu giấy nghỉ khám thai hưởng chế độ BHXH chuẩn nhất
Phụ lục 7 Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định cụ thể mẫu giấy nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Nếu lao động nữ nộp giấy nghỉ hưởng BHXH khác mẫu trên, cơ quan BHXH sẽ từ chối hồ sơ đề nghị hưởng chế độ khám thai.
Xin giấy chứng nhận nghỉ khám thai hưởng chế độ BHXH ở đâu?
Theo Khoản 1 Điều 20 Thông tư 56/2017/TT-BYT, nơi cấp giấy nghỉ khám thai hưởng BHXH cho người lao động phải:
– Do cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động cấp và được người hành nghề làm việc tại cơ sở đó được ký vào giấy chứng nhận;
– Phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đã được phê duyệt của cơ sở khám, chữa bệnh nơi cấp giấy chứng nhận.
– Phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Người lao động được nghỉ khám thai hưởng BHXH mấy lần?
Mỗi lần khám thai, người lao động sẽ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Điều 20 Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định: Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.
Đồng thời, tại Điều 32 Luật BHXH năm 2014 cũng quy định, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.
Như vậy, trong suốt thời gian mang thai, người lao động sẽ được cấp tối đa 5 tờ giấy nghỉ khám thai hưởng BHXH
Nghỉ khám thai được lãnh bao nhiêu tiền BHXH?
Điều 39 Luật BHXH năm 2014 quy định, số tiền lao động nữ được nhận trong thời gian nghỉ khám thai sẽ được tính theo công thức sau:
Số tiền nghỉ khám thai = 100% x Mức bình quân tiền lương của các tháng đã BHXH : 24 x Số ngày nghỉ