Những ai đã đọc Tam Quốc chí và Tam Quốc diễn nghĩa thì có lẽ còn phát hiện ra có một người còn gian hùng hơn cả Tào Tháo. Đó là ai?
Tư Mã Ý
Tư Mã Ý sinh ra trong gia tộc Tư Mã nổi tiếng vào thời Đông Hán khi có nhiều đời làm quan. Gia cảnh của Tào Tháo ban đầu thấp hơn nhiều và không mấy tiếng tăm so với Tư Mã Ý. Tào Tung (cha của Tào Tháo) là con nuôi của Tào Đằng, một trong những hoạn quan có thế lực nhất trong triều đình Đông Hán.
Năm 20 tuổi, sau khi thi đỗ Hiếu Liêm, Tào Tháo được quan Kinh Triệu Doãn là Tư Mã Phòng, cha của Tư Mã Ý, tiến cử giữ chức Bắc Bộ Úy ở kinh thành Lạc Dương. Do đó, Tào Tháo đương nhiên rất cảm kích gia tộc Tư Mã.
Tư Mã Phòng có 8 người con trai, mỗi người đều có biểu tự kết thúc bằng chữ Đạt, vì vậy được gọi chung là Tư Mã Bát Đạt. Trong số 8 người con trai của Tư Mã Phòng, Tư Mã Ý (người con thứ hai) là nổi bật nhất.
Tư Mã Ý không chỉ uyên bác, tài giỏi mà còn giỏi thao lược, thời trẻ đã sớm nổi tiếng khắp thiên hạ.
Tào Tháo tuy nhẫn tâm với kẻ thù nhưng lại là người trọng dụng nhân tài. Nhận thấy tài năng của Tư Mã Ý, Tào Tháo đã có lời mời chiêu mộ. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo nên Tư Mã Ý ban đầu không dung thứ cho hành vi khống chế triều đình, dùng thiên tử để lệnh chư hầu của Tào Tháo.
Để từ chối Tào Tháo, Tư Mã Ý bịa ra một lời nói dối viện cớ rằng mình đang bị bệnh. Tào Tháo lúc bấy giờ đang dồn toàn lực để đánh Viên Thiệu, chuẩn bị cho trận chiến quyết định, nên tạm thời không gây sức ép với Tư Mã Ý.
Đến năm 208, sau khi đánh bại lực lượng của Viên Thiệu, đồng thời làm chủ phương Bắc rộng lớn, Tào Tháo trở thành Thừa tướng nên đã ra lệnh cho Tư Mã Ý đến tham chính và nói rằng nếu lẩn tránh thì hãy bắt giữ.
Do lo sợ có điều không hay xảy ra nên Tư Mã Ý cuối cùng cũng chấp nhận phục vụ dưới trướng của Tào Tháo.
Tào Tháo luôn cảnh giác đề phòng Tư Mã Ý
Tuy đã bổ nhiệm Tư Mã Ý vào vị trí tương ứng nhưng Tào Tháo lại không hoàn toàn tin tưởng. Tào Tháo nổi tiếng đa nghi nên luôn cảnh giác đề phòng Tư Mã Ý.
Đối mặt với sự nghi ngờ của Tào Tháo, Tư Mã Ý vẫn luôn tỏ ra một mực trung thành, án binh bất động, cẩn trọng và ẩn nhẫn chờ thời cơ đến, vì tương lai của gia tộc Tư Mã.
Tào Tháo rất biết nhìn người, dù biết Tư Mã Ý có tài nhưng ông đã nhiều lần nhắc nhở con trai là Tào Phi nên cẩn thận hơn với Tư Mã Ý.
Sau khi Tào Tháo qua đời vào năm 220, Tào Phi kế vị và trở thành Ngụy Vương, sau là Ngụy Văn Đế. Tư Mã Ý sớm trở thành trợ thủ đắc lực của Tào Phi khi là một trong những người giúp Tào Phi lên kế vị.
Nhờ sự khôn khéo và lấy được lòng tin của Tào Phi, Tư Mã Ý nhanh chóng thăng tiến, có thời điểm quyền lực và trách nhiệm thực tế như Thừa tướng.
Trước khi qua đời vào năm 226, Tào Phi đã giao phó người kế vị là Tào Duệ cho Tư Mã Ý, Tào Chân và Trần Quần. Do đó, khi Tào Duệ lên ngôi, ông rất tin tưởng Tư Mã Ý, thậm chí còn phong cho chức Phiêu kỵ Địa tướng quân, nắm quyền kiểm soát quân đội tại Dự Châu và Kinh Châu.
Sau đó, Tư Mã Ý cũng tham gia vào cuộc chiến chống lại Thục Hán trong một thời gian dài.
Chịu đựng và ẩn nhẫn suốt 3 đời Tào gia, đến khi Tào Phương lên ngôi, Tư Mã Ý mới thực sự bộc lộ dã tâm muốn tranh quyền đoạt vị cho gia tộc Tư Mã.
Vừa là công thần, vừa là tội đồ
Là con thứ trong số 8 người con trai của Tư Mã Phòng, Tư Mã Ý sinh vào thời loạn nên “trong lòng thường đau đáu chuyện thiên hạ”. Năm Ý 20 tuổi, Thái thú Nam Dương là Dương Tuấn gặp Tư Mã Ý, thấy không phải là người tầm thường nên có ý trọng dụng.
Năm 201, Ý được tiến cử và được Tào Tháo bổ nhiệm, cho vào trong phủ giữ chức. Tư Mã Ý thấy vận nhà Hán đã suy, không muốn làm việc dưới trướng Tào Tháo bèn lấy cớ bị trúng gió để cự tuyệt.
7 năm sau, khi trở thành Thừa tướng, Tào Tháo buộc Tư Mã Ý giữ chức một chức quan với lời đe “nếu không sẽ bắt giam”.
Dần dần, Tào Tháo thấy Tư Mã Ý là người có chí lớn, liền căn dặn Tào Phi: “Tư Mã Ý là kẻ không cam chịu làm thần, tất sẽ can dự vào việc lớn”.
Tháng 7.217, Tôn Quyền muốn chiếm Hợp Phì, quân Ngụy phải điều động xuống Hoài Nam để phòng thủ. Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu thừa cơ dẫn đại quân vây hãm Tào Nhân, dùng thủy công dìm chết đạo quân tiếp viện của Vu Cấm, chém Bàng Đức.
Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”, Tào Tháo định dời đô, nhưng Tư Mã Ý kịp can: “Vu Cấm chết, không phải là sai lầm chiến trận, không gây tổn thất lớn đến đại cục”.
“Lưu Bị và Tôn Quyền ngoài thì thân, nhưng trong rất sơ, nay Quan Vũ hoành hành, Tôn Quyền nhất định không vui. Hãy thông báo chuyện này cho Quyền biết để kiềm chế Quan Vũ, Phàn Thành sẽ được giải nguy”.
Tào Tháo nghe theo, quả nhiên Tôn Quyền cử Lã Mông tập kích chiếm Kinh Châu, Quan Vũ bị bắt, giết.
Dưới thời Tư Mã Ý, Tào Ngụy không ít lần ngăn Đông Ngô động binh, lại cầm chân Thục Hán, khiến Gia Cát Lượng bị bệnh mà chết.
Năm 239, Tào Duệ – hoàng đế thứ hai của nhà Ngụy trước khi qua đời gửi gắm con nuôi 8 tuổi là Tào Phương cho Tư Mã Ý và con nuôi của Tào Tháo là Tào Sảng. Lúc đầu, Tào Sảng kính trọng Tư Mã Ý như cha, nhưng sau đó muốn độc chiếm quyền lực, gạt Ý sang một bên.
Tư Mã Ý biết điều này nên đành nhẫn nhịn, thậm chí có lúc xin cáo ốm về quê. Năm 249, nhân lúc Tào Sảng tháp tùng Tào Phương rời Lạc Dương, Tư Mã Ý đã phát động cuộc chính biến, nắm quyền lực ở kinh thành.
Tào Sảng hoảng sợ không biết phải làm thế nào, đành chọn cách đầu hàng, với lời hứa của Tư Mã Ý rằng sẽ giữ nguyên quyền lực cho mình. Tư Mã Ý sau đó nuốt lời, lệnh hành quyết Tào Sảng cùng tất cả gia tộc vì tội mưu phản.
Kể từ đó, mọi quyết sách của Tào Ngụy đều phải thông qua Tư Mã Ý. Năm 251, Tư Mã Ý chết vì bệnh, hưởng thọ 73 tuổi. 14 năm sau, cháu nội ông là Tư Mã Viêm tiếm ngôi Tào Phương, xưng đế, lập nên triều Tây Tấn, truy tôn Tư Mã Ý là Cao Tổ Tuyên Đế.