Kết hợp 3 loại đậu, bạn sẽ có được một món chè không những thơm ngon, giúp giải nhiệt mùa hè lại mang nhiều giá trị dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe.

Trong thời gian gần đây, nhiều người thường cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi vì thời tiết quá oi bức, khó chịu. Nhiều người bị nóng trong người, mệt mỏi, cáu gắt, bực dọc, nổi mụn, táo bón…trong mùa hè.  Gặp tình trạng như vậy, chắc chắn bạn sẽ cần các loại đồ uống mát, lạnh, có tác dụng giải nhiệt. Một trong những loại thức uống được dân gian yêu thích, tin dùng là chè ba loại đậu. 

Món chè 3 loại đậu 

Theo dân gian, chè ba loại đậu gồm đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, khi nấu với nhau cho một chút đường phền (loại đường được kéo từ mật mía và được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống) sẽ trở thành món có hương vị thơm mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải cảm, giải nhiệt mùa hè và tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, chè ba loại đậu giúp phòng chống nhiệt miệng hiệu quả. Chè này còn có tác dụng ích thận, kiện tỳ.

1

Công dụng của chè ba loại đậu đến từ tác dụng của từng loại hạt 

Đậu đỏ

Đậu đỏ, trong y học cổ truyền Trung Quốc gọi là hồng đậu, còn có tác dụng lợi tiểu, tiêu sưng, kiện tỳ vị. Vì hạt này có màu đỏ, tương đồng với màu sắc, hình dạng quả tim nên nhiều quan điểm cho rằng loại hạt này cũng có thể dưỡng tim.  

Đậu đỏ rất giàu vitamin C – chất có tính oxy hóa mạnh nên có thể loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể, tăng cường miễn dịch, đồng thời làm trắng da và làm chậm quá trình lão hóa da. Hạt này cũng rất thích hợp cho phụ nữ đang cho con bú, có thể thúc đẩy tiết sữa. Đậu đỏ rất giàu protein, carbohydrate, canxi và các nguyên tố khác cần thiết cho cơ thể con người.

Chất saponin có trong đậu đỏ có thể loại bỏ lipid thừa trong máu, ngăn ngừa và cải thiện cao huyết áp một cách hiệu quả. Hàm lượng chất xơ trong đậu đỏ là nổi bật nhất. Cứ 100 gam đậu đỏ nấu chín chứa từ 11 đến 12 gam chất xơ không hòa tan, gấp khoảng 4 lần so với khoai môn, vì vậy nó có tác dụng nhuận tràng tốt.

Đậu xanh

Đậu xanh hay còn gọi là lục đậu. Hạt này có tác dụng thanh nhiệt, giải khí, trị cảm, nhức đầu. Đậu xanh cũng có thể đóng vai trò bồi bổ sinh lực. Một số quan điểm cho rằng màu xanh của hạt đậu xanh giúp dưỡng gan, dưỡng dạ dày. Tuy nhiên, đậu xanh có vị ngọt và tính lạnh, những người tỳ vị hư nhược, dễ bị tiêu chảy nên ăn ít.

Các nghiên cứu gần đây nhất đã phát hiện β-carotene, vitamin C và methionine trong đậu xanh có thể cải thiện tình trạng dị ứng, tăng cường miễn dịch và điều chỉnh chức năng gan.

2

Đậu đen

Đậu đen được ví như vua của các loại đậu, có thể trì hoãn sự lão hóa và hạ đường huyết. Hạt này có chất chống oxy hóa rất tốt như vitamin E, đồng thời còn có anthocyanins giúp ích cho cơ thể và phục hồi mỏi mắt. Quan điểm dân gian cho rằng màu đen đặc trưng của hạt đậu giúp bổ tỳ và thận, nước đậu đun sôi có thể làm ẩm thận và ngăn ra mồ hôi ban đêm. Y học Trung Quốc cho rằng đậu đen giải độc, lợi tiểu, bổ thận, giảm sưng tấy, đen tóc, kéo dài tuổi thọ, rất thích hợp cho người bị thận âm hư.

Chất anthocyanins trong hạt đậu đen còn có tác dụng ức chế tích tụ mỡ bụng. Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy so với đậu nành, đậu đen có tác dụng chống béo bụng cao hơn 39%. Isoflavone trong đậu đen có thể thanh lọc máu, ngoài ra nó còn chứa chất xơ không hòa tan giúp cải thiện tình trạng táo bón.

Khi nấu chè ba loại đậu, đầu tiên, bạn nên trộn chúng với nhau theo tỷ lệ 1:1:1. Sau đó, bạn ngâm vài tiếng đồng hồ cho đậu mềm rồi mới cho vào nấu. Vì ba loại đậu kết hợp với nhau có tính lạnh, cho nên bạn nên nấu bằng đường nâu/đường phên để trung hòa tính lạnh đó. Bạn có thể uống hai tới ba lần một tuần sẽ rất tốt cho cơ thể.