Sau khi điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động cũng có sự thay đổi.

Sự thay đổi về lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2022

Ngày 12/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP , chính thức điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng kể từ ngày 01/7/2022 với mức tăng bình quân là 6% so với lương tối thiểu vùng tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP .

Cụ thể từ ngày 1/7/2022, mức lương tối thiểu vùng mới được quy định như sau:

Về lương tối thiểu vùng theo tháng, vùng 1: 4.680.000 đồng (tăng 260.000 đồng);

Vùng 2: 4.160.000 đồng (tăng 240.000 đồng);

Vùng 3: 3.640.000 đồng (tăng 210.000 đồng);

Vùng 4: 3.250.000 đồng (tăng 180.000 đồng).

tro-cap-that-nghiep-01

Thay đổi về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp

Căn cứ khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm 2013 quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất mà người lao động có thể nhận hằng tháng sau khi nghỉ việc như sau:

“Điều 50. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp

1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.”

Như vậy, do lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng nên mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng có sự thay đổi.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa dựa theo lương tối thiểu vùng:

Vùng I: 23.400.000 đồng;

Vùng II: 20.800.000 đồng;

Vùng III: 18.200.000 đồng;

Vùng IV: 16.250.000 đồng.

Lương tối thiểu vùng tăng, tiền đóng bảo hiểm xã hội có tăng không?

Theo hướng dẫn tại Quyết định 595/QĐ-BHXH, hằng tháng, người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải trích một khoản tiền nhất định để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc bao gồm BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Tiền lương lấy làm căn cứ đóng các loại bảo hiểm trên chính là tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc.

Khoản 2 Điều 89 Luật BHXH năm 2014 quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được ghi nhận cụ thể và được chi trả thường xuyên trong kì trả lương cho người lao động.

Như vậy, khi lương tối thiểu vùng tăng, mức tiền lương tối thiểu đóng BHXH hằng tháng cũng có sự thay đổi. Từ ngày 1/7/2022, khi lương tối thiểu vùng tăng, người lao động và người sử dụng lao động đang đóng bảo hiểm với mức lương thấp sẽ phải điều chỉnh tăng để đảm bảo cao hơn hoặc bằng mức tiền lương tối thiểu vùng mới.