Nhiều người mua chanh, sả, gừng và một số loại lá về để xông cho F0 mau khỏi. Tuy nhiên, việc này không mang lại nhiều lợi ích như mọi người nghĩ.

Hiện nay, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc F0 xông hơi sẽ mau khỏi. Các nguyên liệu xông phổ biến như chanh, gừng, sả cũng được bán rất nhiều, thậm chí còn bị tăng giá vì nhu cầu của người mua rất lớn. Nhiều người khi thực hiện cũng chia sẻ sau khi xông có cảm giác dễ chịu, nhẹ nhõm. Tuy nhiên, dưới góc nhìn khoa học của các chuyên gia, bác sĩ thì việc thường xuyên xông mũi họng bằng các loại thảo dược có thể gây phản tác dụng, làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Tiến sĩ Bùi Lê Minh – Trưởng Ngành Công nghệ sinh học (Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết bản thân anh cũng đang là F0 và được nhiều bạn bè, người thân khuyên nên xông lá, gừng, sả… Tuy nhiên, anh nhất quyết không làm.

Tiến sĩ Lê Minh cho biết việc xông bằng các nguyên liệu thảo dược có hoạt tính kháng khuẩn, kháng viêm có hiệu quả làm giảm một số triệu chứng cảm, sốt do tác dụng của nhiệt độ kết hợp với hoạt chất có khả năng khử trùng, diệt các vi khuẩn trên bề mặt niêm mạc đường thở, trên da, tăng tuần hoàn máu… Vì vậy, với người bị cảm thông thường, việc xông sẽ có tác dụng tốt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, tiến sĩ Minh cho rằng việc xông này mang lại nhiều mặt trái hơn là lợi ích. Anh chỉ ra 3 nguy cơ mà F0 phải đối mặt khi xông hơi trong quá trình điều trị bệnh. Cụ thể:

Nguy cơ bị bỏng hoặc tai nạn khác khi xông hơi

Trong các báo cáo từ các nước châu Á mà người dân hay dùng xông hơi để tự chữa bệnh ở nhà thì các trường hợp nhập viện do bỏng, ngất khi thực hiện xông hơi khá phổ biến. Đặc biệt là khi người bệnh xông hơi một mình và thiếu kinh nghiệm nên dễ tiếp xúc với nhiệt độ cao lại không có người giúp đỡ khi sự cố xảy ra.

Tổn thương biểu mô đường hô hấp và nhạy cảm hơn với virus

Về lý thuyết, ở nhiệt độ 60-70 độ C, thời gian virus tồn tại ngoài môi trường giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, TS Lê Minh giải thích: “Khi đã nhiễm bệnh thì virus chủ yếu đang nằm trong các tế bào của cơ thể chứ không phải dạng tự do nằm bên ngoài mô, tế bào. Vì thế, muốn tiêu diệt virus thì phải tiêu diệt tế bào mang virus đó trước, và với cách làm này, bạn đang tấn công tất cả tế bào tiếp xúc với nhiệt, bất kể còn lành lặn hay đã nhiễm virus.

Các mô lành lặn bị tổn thương bởi nhiệt cũng dễ bị nhiễm virus hơn bình thường nên xông hơi trong giai đoạn sớm thậm chí có nguy cơ làm virus lây lan nhanh hơn trong cơ thể. Ngoài ra, hơi nước đọng lại trên bề mặt đường thở sau đó có thể kéo theo một số virus còn khả năng lây xuống các vị trí sâu hơn, lợi bất cập hại”.

Nguy cơ phán tán virus nhanh hơn

Việc xông hơi trong gia đình có cả người chưa nhiễm bệnh, đặc biệt là ở không gian nhỏ còn có nguy cơ làm phát tán virus ra môi trường xung quanh, khiến virus bám trên các bề mặt và làm virus có cơ hội lây lan nhanh hơn.

Vì vậy, việc xông hơi cần được cân nhắc kỹ và phải làm đúng. Tránh xông hơi khi nhà mới có người nhiễm virus. Còn khi đã âm tính cả rồi thì có thể thực hiện để cải thiện các triệu chứng kéo dài.

BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết có nhiều người làm theo hướng dẫn truyền tai nhau trên mạng xã hội và lạm dụng việc xông mũi, họng. Việc xông mũi họng quá nhiều lần trong một ngày có thể làm tổn thương đường thở, mất khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể trước các tác nhân gây nhiễm trùng tư bên ngoài. Về nguyên tắc, việc xông mũi, họng có tác dụng sát khuẩn đường hô hấp trên, hỗ trợ làm giảm nhẹ các triệu chứng nhưng không phải là phương pháp điều trị dành cho các F0.

Các bác sĩ khuyến cao, không nên lạm dụng xông hơi; không được xông trực tiếp vào người, đặc biệt là với trẻ nhỏ dưới 30 tháng, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hoặc người có tiền sử dị ứng với tinh dầu. Trẻ có bệnh nên cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.