Mộc nhĩ từ lâu đã được người Việt ưa chuộng. Nguyên liệu này không chỉ giúp món ăn ngon hơn mà còn bổ dưỡng hơn. Tuy nhiên, nếu không chế biến đúng cách mộc nhĩ dễ sinh độc tố.
Những lợi ích của mộc nhĩ
Tốt cho sắc đẹp của phụ nữ
Vì chứa nhiều vitamin E nên mộc nhĩ góp phần thúc đẩy làn da căng bóng, hồng hào.
Muốn làm trắng da, thực phẩm phải chứa rất nhiều sắt. Phần lớn chúng ta đều cho rằng thịt nạc, gan động vật, rau chân vịt nhiều sắt nhất. Nhưng thực tế, mộc nhĩ mới la thực phẩm có hàm lượng sắt cao nhất. Lượng sắt trong mộc nhĩ gấp 20 lần so với mồng tơi và 7 lần so với gan lợn. Vì vậy, mộc nhĩ là thực phẩm cao cấp giúp bổ máu, chống thiếu máu do thiếu sắt.
Tốt cho hệ tiêu hóa
Trong mộc nhĩ giàu cellulose và hoạt động như một loại collagen thực vật. Hai chất này có tác dụng thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa, chống táo bón, giúp loại bỏ và đào thải kịp thời các chất độc hại trong phân. Vì vậy, mộc nhĩ có lợi cho người bệnh sỏi mật, sỏi thận.
Phòng chống các bệnh tim mạch, mạch máu não
Trong mộc nhĩ có chứa vitamin K, giàu canxi, magie và các khoáng chất khác giúp làm giảm cục máu đông, ngăn ngừa sự xuất hiện của huyết khối có tác dụng ngăn ngừa và điều trị xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành.
Sai lầm cần tránh trong chế biến mộc nhĩ
Ngâm mộc nhĩ trong nước nóng
Nhiều người cho rằng ngâm mộc nhĩ bằng nước nóng sẽ giúp mộc nhĩ nở nhanh. Tuy nhiên, ngâm mộc nhĩ trong nước nóng không có lợi cho cơ thể.
Do mộc nhĩ thường mọc ở các thân cây khô, gỗ mục, ẩm ướt nên có tỷ lệ gặp nấm mốc rất cao. Vì vậy mà cần ngâm mộc nhĩ trước khi chế biến. Việc ngâm sẽ giúp mộc nhĩ loại bỏ bụi bẩn và nấm mốc.
Thế nhưng nếu ngâm mộc nhĩ bằng nước nóng sẽ khiến chúng nở quá nhanh, dễ bị nhũn, dính, không ngon. Bên cạnh đó mộc nhĩ không đủ thời gian để thẩm thấu như khi được ngâm bằng nước lạnh khiến các loại nấm mốc không kịp hòa tan trong nước.
Vì vậy, mộc nhĩ nên được ngâm bằng nước lạnh. Trong nhiệt độ thấp, mộc mĩ sẽ nở dần ra, các loại nấm mốc, bụi bẩn sẽ tan trong nước và dễ cọ rửa.
Ngâm mộc nhĩ qua đêm
Vì dịp Tết có rất nhiều món ăn dùng đến mộc nhĩ nên nhiều gia đình có thói quen ngâm mộc nhĩ từ đêm hôm trước để hôm sau sẵn có dùng ngay. Nhưng bạn chỉ nên ngâm mộc nhĩ trong thời gian ngắn. Ngâm mộc nhĩ nhiều ngày dễ biến chất và sinh ra aflatoxin. Đây là loại độc tố nấm mốc gây ung thư gan và làm tổn thương mô gan.
Theo bác sĩ mộc nhĩ không nên ngâm quá 8 tiếng. Ngâm lâu hơn các vi khuẩn sẽ sản sinh gấp nhiều lần. Tốt nhất là ngâm mộc nhĩ khô trong nước lạnh 15-20 phút, rửa sạch, cắt chân trước khi chế biến.