Một số trẻ mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ nhưng chỉ 2 tuần sau âm tính, nhiều bé bỗng nhiên diễn biến nặng, phải thở máy, lọc máu…
Trẻ nhỏ cũng mắc biến chứng hậu COVID-19 nặng nề
Cách đây không lâu, ThS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai – cho biết, vài tháng nay, viện tiếp nhận khám và điều trị hậu COVID-19 cho khoảng 50 ca. Đại đa số các bé đều có biểu hiện nhẹ tuy nhiên có 4 bệnh nhi diễn biến rất nặng phải thở máy, lọc máu.
Đáng nói, khi đang là F0 dương tính, các bé đều ở thể nhẹ nhưng khoảng 2-3 tuần sau khi âm tính, bé vào viện với nhiều triệu chứng hậu COVID-19, xét nghiệm cho thấy mắc bệnh ở tình trạng nặng mà người nhà không hề biết. Khi chụp chiếu, xét nghiệm, phát hiện bé đã tổn thương phổi, tim, thận, bị sốc tim, suy tim, viêm cơ tim…
Điển hình như bé T.N.K (6 tuổi, ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). 3 ngày trước khi vào viện bé sốt nhẹ, tiêu lỏng 2 lần/ngày. Nhập viện khi sốt cao, tiêu lỏng tới 5 lần/ngày, một ngày sau, bé mệt nhiều hơn, chi lạnh, môi tái, mạch nhanh, huyết áp chỉ còn 80/50, SpO2 90%.
Bé phải chuyển lên khoa Hồi sức tích cực chống độc và được chẩn đoán bị hội chứng viêm đa hệ thống liên quan COVID-19 ở trẻ em (MIS-C), sốc tim. Cùng ngày, bé phải đặt ống nội khí quản, thở máy, truyền vận mạch, sử dụng kháng sinh để điều trị.
Kết quả xét nghiệm COVID-19 của bé khi vào viện là âm tính nhưng 2 ngày sau, kết quả xét nghiệm nồng độ kháng thể IgG của cậu bé 6 tuổi rất cao kèm tiền sử gia đình của bé dương tính với COVID-19 khoảng 2 tuần trước đó.
Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) từng tiếp nhận bé trai 5 tuổi (ở huyện Củ Chi) nhập viện do khó thở, tím tái, suy hô hấp nặng kèm trụy tim mạch. Bé được chẩn đoán mắc MIS-C, gây ra sốc tim và viêm cơ tim. Do suy hô hấp nặng nên bé phải đặt nội khí quản thở máy.
Sau hơn 1 ngày điều trị, tình trạng tim mạch của bé cải thiện dần, bớt rối loạn nhịp… Kết quả xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 dương tính, xác nhận bé đã nhiễm COVID-19 trước đó. Qua 7 ngày hồi sức tích cực, bé được cai máy thở, giảm dần và ngưng thuốc vận mạch, tiếp tục được theo dõi.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng cho biết các triệu chứng hậu Covid như rối loạn giấc ngủ, suy giảm vận động, trí nhớ… được ghi nhận ở cả trẻ F0 bệnh nhẹ, không triệu chứng.
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đang điều trị 75 trẻ bị di chứng Covid-19 viêm đa hệ thống (MIS-C), tuổi từ 11 tháng đến 16. Trong đó, phổ biến là nhóm 8-11 tuổi. Ngoài ra, khoảng hơn 100 bệnh nhi (chủ yếu dưới 5 tuổi) mắc di chứng Covid nhẹ khám ngoại trú. Trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 5-10 bé gặp các di chứng hậu Covid. Bác sĩ Tiến nói “các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ F0 trẻ em bị hậu Covid dao động 5-16%”.
Theo bác sĩ Tiến, nhóm trẻ bệnh nặng, nguy kịch phải điều trị tại khoa hồi sức tích cực, tỷ lệ gặp các di chứng hậu Covid nặng hơn như khó thở, các vấn đề về hô hấp, tổn thương gan, thận, giảm chức năng cơ tim…, đặc biệt là tình trạng viêm đa hệ thống. Đây là hội chứng đặc trưng chỉ xảy ra ở trẻ em mắc Covid, chưa ghi nhận ở người lớn. Nếu phát hiện, điều trị trễ, hội chứng có thể dẫn đến suy tim và tử vong. Các triệu chứng thường biểu hiện sau 2-6 tuần, trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy, đỏ da, lưỡi đỏ, các ngón tay chân sưng nhẹ, hồng ban, tim đập nhanh, mạch vành giãn.
Ở nhóm trẻ bệnh nhẹ, không có triệu chứng, các di chứng Covid có mức độ nhẹ hơn như ảnh hưởng giấc ngủ, tâm lý, vận động, thần kinh…
Điều trị mất nhiều thời gian, chi phí tốn kém
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay qua theo dõi, trẻ em mắc COVID-19 cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19).
Tuy nhiên, thực tế qua quá trình khám hậu COVID-19 ở trẻ, các bác sĩ phát hiện tình trạng trẻ khi là F0 không triệu chứng hoặc thể nhẹ, nhưng sau khi khỏi bệnh, một số lại gặp các biểu hiện như: đau đầu, uể oải, mệt, đau cơ, tiêu chảy, đau khớp… Một số lại bị ảnh hưởng hoạt động thể lực, thể chất suy giảm, ho kéo dài, hồi hộp… Cá biệt, đã có những ca khi chuyển nặng phải thở máy, lọc máu, điều trị lâu dài, phải dùng kháng sinh liều cao, chi phí rất tốn kém, lên đến hàng trăm triệu đồng…
Chia sẻ khuyến cáo với người dân về thực tế trẻ có thể bất ngờ trở nặng sau khi khỏi COVID-19, ThS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai phân tích: Trẻ mắc hội chứng MIS-C nếu không chẩn đoán chính xác, kịp thời điều trị đúng hướng thì nguy cơ tử vong rất cao, chi phí lớn. Nếu trong gia đình có trẻ mắc COVID-19, gia đình không được chủ quan. Sau khi trẻ âm tính ít nhất 2-3 tuần, gia đình cần theo dõi sát, đi khám, thậm chí phải theo dõi tới 2-3 tháng sau. Nếu có dấu hiệu hậu COVID-19 cần phải đi khám ngay.
Trẻ mắc Covid, cha mẹ cần lưu ý gì?
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng khuyến cáo phụ huynh quan sát, theo dõi trẻ kỹ sau khi khỏi Covid. Nếu phát hiện con có các triệu chứng như hay quên bài, giảm trí nhớ, sa sút trong học tập, giảm tập trung, mất ngủ, ngủ không sâu giấc, khó ngủ, thở mệt hồi hộp, đánh trống ngực, thở đàm nhiều, đi lại cơ yếu, khó khăn trong leo cầu thang, dễ mệt khi gắng sức, hụt hơi… cần đưa trẻ đi khám kịp thời.
Sau thời cách ly hoặc điều trị tại bệnh viện, tâm lý trẻ cũng bị ảnh hưởng. Các triệu chứng bên trong như lo lắng và trầm cảm; các triệu chứng bên ngoài như hành vi gây rối và chống đối; các triệu chứng thể chất liên quan đến căng thẳng như đau đầu, mệt mỏi. Cha mẹ nên đóng vai trò chuyên gia tâm lý ở bên cạnh con, chia sẻ yêu thương, giải thích thấu đáo để trẻ hiểu về chủng virus mới, cách bảo vệ, sống chung an toàn, giúp con không hoang mang hay sợ hãi.
“Nên bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, chế độ ăn uống cân bằng theo lứa tuổi, thể trạng; tăng cường các loại trái cây, rau củ, nước cam… để cung cấp các vitamin A, C, D, từ đó nâng cao đề kháng”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.