Do có sự điều chỉnh một số địa phương chuyển lên vùng áp dụng mức lương tối thiểu vùng cao hơn nên mức lương tối thiểu vùng của các địa phương này cũng tăng theo đáng kể.
Những địa phương tăng đến 760.000 đồng/tháng lương tối thiểu vùng
Mới đây, Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh mới đây đã ký Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng.
Nghị định 38 sẽ có hiệu lực từ 1/7/2022.
Theo nghị định này, mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc theo hợp đồng sẽ có sự thay đổi.
Mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh như sau:
– Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng.
– Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng.
– Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng.
– Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
Như vậy, mức lương tối thiểu kể từ ngày 1/7 tới đây sẽ tăng bình quân 6% so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 38, một số địa phương được chuyển lên vùng áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn nên mức lương tối thiểu của các vùng này tăng đáng kể so với trước đây.
Cụ thể địa phương có mức tăng lương tối thiểu đáng kể từ ngày 1/7/2022:
– Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) được chuyển từ vùng II lên vùng I: Lương tối thiểu vùng tăng từ 3,92 triệu đồng/tháng lên 4,68 triệu đồng/tháng – tăng 760.000 đồng/tháng.
– Thành phố Hoà Bình, huyện Lương Sơn (Hòa Bình); Các thị xã Quảng Yên, Đông Triều (Quảng Ninh); thành phố Vinh, thị xã Cửa lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An)… được chuyển từ vùng III lên vùng II: Lương tối thiểu vùng tăng từ 3,43 triệu đồng/tháng lên 4,16 triệu đồng/tháng – tăng 730.000 đồng/tháng.
– Các huyện Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên (Quảng Ninh); các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Diễn Châu, Đô Lương và các thị xã Thái Hòa, Hoàng Mai (Nghệ An)… được chuyển từ vùng IV lên vùng III: Lương tối thiểu vùng tăng từ 3,07 triệu đồng/tháng lên 3,64 triệu đồng/tháng – tăng 570.000 đồng/tháng.
Tăng lương tối thiểu vùng nên tiền lương tháng đóng BHXH, BHTN, BHYT tối thiểu cũng tăng
Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi năm 2014) quy định mức đóng bảo hiểm y tế của người lao động được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Điểm 2.6 Khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 còn yêu cầu mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối thiểu phải đảm bảo:
Với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
Với người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua đào tạo, học nghề: Cao hơn ít nhất 7% lương tối thiểu vùng.
Với người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 5% mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện bình thường.
Với người lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 7% mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện bình thường.
Như vậy, từ ngày 1.7.2022, khi lương tối thiểu vùng tăng, mức tiền lương tính đóng BHXH, BHYT, BHTN tối thiểu của người lao động cũng sẽ tăng tương ứng.