Khi test mà thấy lên 2 vạch, thay vì lo lắng hoảng sợ, hãy giữ bình tĩnh và làm 5 điều này để nhanh khỏe lại.
5 bước cần thực hiện khi là F0 điều trị tại nhà
Bước 1: Ngay khi có triệu chứng như ho, sốt, đau họng, khó thở, mất vị giác, khứu giác hoặc vừa tiếp xúc với F0 thì nên đi làm xét nghiệm. Bạn cần test nhanh vào ngày thứ 1 và ngày thứ 3, còn với PCR thì làm vào ngày thứ 3.
Bước 2: Khi nhận kết quả nhiễm thì cần:
+ Thông báo ngay với y tế địa phương (trưởng tầng, tổ trường dân phố, phường, xã)
+ Gia đình khi có người là F0 cần chuẩn bị thực phẩm, khẩu trang y tế cho cả nhà trong 2 – 3 tuần, gang tay y tế cho người chăm sóc trong 2 – 3 tuần, đồ dùng cho F0 riêng và các thiết bị y tế như que test (5 que/F0, 2 que/F1), nhiệt kế, máy đo SpO2. Ngoài ra còn cần chuẩn bị các loại thuốc hạ sốt, nước muối sinh lý, oserol, thuốc tiêu chảy, vitamin tổng hợp, thuốc kháng virus (tham khảo ý kiến bác sĩ), thuốc ho.
+ Tự cách ly tại nhà nếu không có triệu chứng hoặc nhẹ (sốt dưới 38,5 độ C, không có dấu hiệu suy hô hấp, Sp02 trên 96%); dưới 50 tuổi, không mang thai, không có bệnh nền hoặc bệnh nền ổn định, đã tiêm 2 mũi vắc xin hoặc mũi 1 từ 14 ngày trở lên; nhà có đủ không gian riêng cho việc cách ly; có người chăm sóc hoặc vẫn có khả năng tự chăm sóc bản thân.
+ Khi cách ly trong phòng riêng nhớ ăn riêng, tự rửa bát đũa của bản thân, vào nhà vệ sinh riêng, đeo khẩu trang khi vào không gian chung, xịt khuẩn các bề mặt tiếp xúc chung để tránh lây lan cho người khác.
+ Rác thải cần cho vào túi nilon và bọc lại cẩn thận rồi bỏ vào thủng rác có nắp đậy để tránh phát tán virus ra bên ngoài.
Bước 3: Điều trị cho F0
+ Với người có triệu chứng nhẹ:
Người lớn nếu sốt > 38,5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều, cần uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như Paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 viên. Đồng thời nên uống thêm nước để bù điện giải, có thể dùng oserol pha vào uống thay nước.
Còn trẻ em nếu > 38,5 độ C, uống thuốc hạ sốt như Paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 lần. Trường hợp gia đình đã cho bé dùng hạ sốt 2 lần mà không đỡ thì thông báo ngay cho nhân viên y tế.
Nếu bị ho thì uống thuốc giảm ho. Đồng thời, đo chỉ số SpO2 mỗi ngày, bổ sung vitamin, súc họng và rửa mũi thường xuyên.
+ Xông mũi họng 2 lần/ngày.
+ Tập luyện nhẹ nhàng để theo dõi tình trạng thở cũng như nâng cao sức khỏe cho F0.
+ Đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh với bữa ăn đủ 4 nhóm thực phẩm, ăn nhiều rau quả, ăn đồ nóng, uống nước ấm.
Bước 4: Theo dõi các dấu hiệu của F0
Nếu thấy F0 có triệu chứng khó thở, thở hụt hơi; đau tức ngực; chỉ số SpO2 ≤ 95%; thay đổi ý thức như lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, mệt lả… cần đưa đi viện ngay.
Bước 5: Dỡ bỏ cách ly khi
+ F0 đã điều trị đủ 7 ngày và có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế hoặc F0 tự làm dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
+ Sau 7 ngày nếu vẫn còn kết quả hai vạch thì cần cách ly đủ 10 ngày với người đã tiêm đủ và 14 ngày với người chưa tiêm đủ.