Hiện nay, có một số phụ huynh băn khoăn không biết nên lấy mẫu test cho con bằng dịch mũi hay nước bọt mới chính xác.
Theo Infonet đưa tin, chị Nguyễn Lê D. (ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết cả nhà chị đều là F0 riêng con nhỏ 4 tuổi dù có dấu hiệu sổ mũi, người hơi nóng nhưng test nhiều lần vẫn âm tính. Chị D. lo ngại việc chăm sóc bé không kỹ có thể khiến con bị hậu Covid-19. Cuối cùng, chị phải liên hệ với dịch vụ PCR để nhân viên đến tận nhà lấy mẫu cho bé.
Kết quả xét nghiệm cho thấy con chị D. cũng dương tính với SARS-CoV-2 và chỉ số CT là 31.4. Đây là chỉ số thấp, không có khả năng lây nhiễm cho người khác. Với chỉ số này, chị D. cố lấy mẫu bằng test nhanh cũng không đủ virus để lên “2 vạch”.
Rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 nhưng khi xét nghiệm lại không ra dương tính. Điều này khiến phụ huynh lo lắng, lo cho con bị bệnh mà không biết rồi gặp phải di chứng hậu Covid-19 nên phải cố test, đổi đủ loại kit test từ nước bọt, tới dịch mũi, ngậm.
Nói về việc nhiều phụ huynh muốn cố test cho con đang nghi nhiễm Covid-19, BS Trương Hữu Khanh – Cố vấn chuyên môn khối truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM, cho biết trẻ nhỏ 3 tuổi, không có yếu tố nguy cơ hay triệu chứng thì không cần thiết phải test Covid-19.
Ngay kể cả khi mọi người trong nhà đều là F0 và nghi ngờ bé nhiễm Covid-19 nhưng không có triệu chứng thì phụ huynh cũng không nhất thiết phải làm test cho trẻ. Trẻ có triệu chứng nào thì điều trị triệu chứng đó chứ không điều trị theo kết quả xét nghiệm âm tính hay dương tính.
BS Khanh nhấn mạnh, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ không nên quá lạm dụng test nhanh vì đây có thể là cách xét nghiệm khá “thô bạo” với trẻ. Khi cần, chúng ta nên tham khảo ý kiến của bác sĩ xem có cần phải test nhanh hay không.
Khi test, nếu trẻ khóc dẫn tới chảy máu mũi thì còn nguy hiểm hơn vì nó có thể gây viêm mũi, áp xe vùng mũi.
Cha mẹ có thể sử dụng test nước bọt cho trẻ vì loại test này cũng cho kết quả đúng nếu lấy đúng dịch. Khi test nước bọt, dịch xét nghiệm Covid-19 nên lấy ở vùng gầm lưỡi vì các nghiên cứu chỉ ra rằng đây là vị trí có nhiều virus hơn, thậm chí nhiều hơn cả ở vùng mũi, tị hầu.
Đặc biệt, với biến chủng Omicron, virus nằm ở gầm lưỡi nhiều hơn trên mũi. Nếu test nước bọt kết quả dương tính thì có thể xem đó là xét nghiệm có giá trị. Nếu test nước bọt ra âm tính thì chưa chắc đã thật sự âm tính, phụ huynh cần phải theo dõi trẻ xem có có triệu chứng không. Ngoài ra, cha mẹ cũng không cần test lại đường mũi cho con.
Nếu sử dụng kit test lấy dịch vùng mũi, BS Khanh cho biết có thể lấy dịch sổ mũi từ mũi ra. Tuy nhiên, trường hợp trẻ khóc thì không lấy dịch ở mũi chảy ra vì nước mắt, nước mũi sẽ làm ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả.
Cũng chia sẻ về vấn đề nên test Covid-19 bằng dịch mũi hay nước bọt, BS Huynh Wynn Tran – Tổ chức y khoa VietMD, Hoa Kỳ cho biết biến thể Omicron thường tập trung ở nước bọt nhiều hơn phần tị hầu hay mũi. Vì vậy, có thể sử dụng kết hợp cả xét nghiệm dịch ở họng và nước bọt. Tuy nhiên, khi lấy mẫu test dù ở tị hầu hay nước bọt thì vị trí lấy mẫu đều phải đúng chỗ, đủ dịch.
Nếu làm test Covid-19 tại nhà, sau khi nhỏ dung dịch vào khay, nên dể khay test nằm ngang trên bề mặt phẳng, không cầm lên hay di chuyển. Nếu cầm lên quá sớm, dịch sẽ không thấm đúng và nhòe ra dẫn tới kết quả dễ bị sai. Đọc kết quả sau 15-20 phút theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
BS Huynh Wynn Tran cho biết thêm, khi người lớn hoặc trẻ nhỏ có triệu chứng ho, đau họng, sổ mũi, sốt nhẹ nhưng làm test nhanh vẫn âm tính là điều dễ hiểu. Test nhanh kháng nguyên được sử dụng để tìm ra một phần vỏ thông tin, mảnh protein của virus. Nếu mật độ virus thấp thì sẽ cho kết quả âm tính. Theo thời gian, lượng virus trong cơ thể sẽ tăng lên. Sau 1-2 hôm bạn xét nghiệm lại có thể sẽ cho kết quả dương tính.