Bệnh thận mãn tính còn được mệnh danh là “kẻ giết người vô hình”, bởi các dấu hiệu ban đầu rất mơ hồ, dễ bị bỏ sót và chẩn đoán nhầm.

Bệnh thận mãn tính có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi bộ phận của cơ thể bạn gây ra nhiều biến chứng tiềm ẩn cho cơ thể bao gồm: huyết áp cao; bệnh tim mạch; dịch trong phổi (phù phổi); xương yếu và tăng nguy cơ gãy xương; thiếu máu; giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương hoặc giảm khả năng sinh sản; tổn thương hệ thần kinh trung ương; giảm đáp ứng miễn dịch.

Đặc biệt, khi thận bị tổn thương không thể hồi phục (bệnh thận ở giai đoạn cuối), người bệnh cần phải tiến hành lọc máu hoặc ghép thận thì mới có thể sống sót.

Ở giai đoạn đầu của bệnh thận mãn tính, người bệnh nhìn chung không có bất cứ triệu chứng khó chịu nào. Điều này rất nguy hiểm vì thận có thể âm thầm tổn thương mà chúng ta không hề phát hiện ra.

Có một số bệnh nhân đến bệnh viện khám lần đầu nhưng chức năng thận đã bị tổn thương nghiêm trọng, không thể hồi phục. Thận bị tổn thương không chỉ làm suy giảm chức năng thận mà còn gây ảnh hưởng tới hệ tiết niệu và hệ tuần hoàn, rất có hại cho sức khỏe.

Vì vậy, bệnh thận mãn tính còn được mệnh danh là “kẻ giết người vô hình”, bởi các dấu hiệu ban đầu rất mơ hồ, dễ bị bỏ sót và chẩn đoán nhầm.

20190917_092659_894368_Hinh-anh-benh-soi-t.max-1800x1800

Dấu hiệu cảnh báo

Dấu hiệu từ nước tiểu

Một người bình thường đi tiểu 4 – 6 lần/ngày, nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt. Tuy nhiên, nếu bạn gặp tình trạng tiểu ít, tiểu đêm nhiều, có nhiều bọt, có màu vàng như nước chè,… thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Vì vậy, người bệnh cần đến bệnh viện kiểm tra để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Phù thũng

Phù thũng là một trong những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính. Bởi chức năng của thận đang bị ảnh hưởng dẫn đến tình trạng giữ nước gây ra sưng phù ở tay, chân và các bộ phận khác trên cơ thể.

Vì vậy, khi ngủ dậy nếu bạn thấy mí mắt và chi dưới bị sưng phù không rõ nguyên nhân và tình trạng này diễn ra trong thời gian dài thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh thận mãn tính. Lúc này người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Huyết áp tăng vọt khó kiểm soát

Bệnh thận và huyết áp cao có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và huyết áp cao cũng là một triệu chứng phổ biến, điển hình của bệnh thận mãn tính. Bởi thận có một chức năng giúp ổn định huyết áp.

Một số triệu chứng khác

Khi thận gặp vấn đề, cơ thể có thể mắc thêm một số triệu chứng như thiếu máu, sốt và đau khớp, buồn nôn, mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân, đau ngực, khó thở nếu các chất lỏng tích tụ xung quanh các niêm mạc của tim và phổi.

Phòng ngừa bệnh thận bằng cách nào?

Giảm lượng muối hấp thụ

Muối là gia vị vô cùng quen thuộc với tất cả mọi người, có thể xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm hoặc được thêm vào trong quá trình chế biến món ăn.

Sự góp mặt của muối giúp bạn cảm thấy ngon miệng khi ăn. Tuy nhiên, hấp thụ quá nhiều muối có nguy cơ khiến nước bị tích tụ trong cơ thể, từ đó gây tăng huyết áp và tăng nguy cơ phát sinh những vấn đề liên quan đến tim mạch cũng như thận.

Vì vậy, khi nói về cách phòng ngừa suy thận, không ít người đề cập đến biện pháp cắt giảm muối ăn.

Nếu bạn cảm thấy lạt miệng khi không sử dụng muối, hãy thử thay thế với những gia vị từ thảo mộc khác như nghệ, quế…

Bổ sung đủ nước

Hơn một nửa trọng lượng cơ thể đến từ nước. Toàn bộ các tế bào đều cần nước để hoạt động, bao gồm cả tế bào thận. Do đó, có thể nói đây chính là yếu tố thiết yếu để duy trì sự sống cho cơ thể, đồng thời tăng cường khả năng hoạt động hiệu quả của thận.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết uống nước quá nhiều cũng có nguy cơ gây tổn thương thận, thậm chí là dẫn đến suy giảm chức năng của bộ phận này. Vì vậy, để phòng ngừa suy thận, bạn nên cân nhắc lượng nước tiêu thụ mỗi ngày.

Hạn chế thức uống chứa cồn

Mặc dù một số nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích sức khỏe do rượu vang đỏ mang lại, nhưng nếu so với ảnh hưởng của những thức uống có cồn đến sức khỏe tổng thể, các ích lợi trên rất “nhỏ bé”.

Tương tự thuốc lá, bên cạnh gan và tim, thức uống chứa cồn (bia, rượu…) cũng có nguy cơ gây tổn hại cho thận.

Không lạm dụng thuốc không kê đơn

Lạm dụng thuốc hoặc sử dụng thuốc sai chỉ định của bác sĩ là tác nhân điển hình gây tổn hại cho sức khỏe của bạn. Đặc biệt, việc uống thuốc quá liều rất dễ gây suy giảm chức năng thận.

Ví dụ cụ thể nhất là nhóm thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs): ở liều cao, các loại thuốc như aspirin, ibuprofen và naproxen đều có nguy cơ làm cắt giảm lưu lượng máu đến thận.

Tập thể dục thường xuyên

Nâng cao sức khỏe tổng thể là lợi ích lớn nhất mà bạn nhận được từ việc chăm chỉ rèn luyện thể chất. Cụ thể hơn, thói quen này giúp bạn tăng cường tuần hoàn máu cũng như khả năng hoạt động của các tế bào bạch cầu. Do đó, mọi bộ phận trong cơ thể đều khỏe mạnh hơn, bao gồm cả thận.

Tuy vậy, bạn cũng cần lưu ý không lạm dụng việc tập dục, vì điều này có thể gây phản tác dụng. Nếu chưa biết làm thế nào để tập luyện đúng cách, bạn có thể tham vấn ý kiến bác sĩ về những bài tập phù hợp với thể trạng hiện tại của mình.

Thực tế, những cách phòng ngừa suy thận chủ yếu xoay quanh việc xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh. Do đó, hầu hết mọi người sẽ không gặp khó khăn gì khi thực hiện các phương pháp trên.