Dù đã được tiêm 3 mũi ngừa Covid-19 và khi bị bệnh cũng rất nhẹ nhưng việc test nhanh mãi chưa âm tính cũng khiến bệnh nhân lo lắng.

Một bệnh nhân cho biết mình năm nay 28 tuổi, đã tiêm 3 mũi vắc xin phòng Covid-19 nhưng vẫn mắc bệnh. Khi mới trở thành F0, người này chỉ có triệu chứng nhẹ, dường như không đáng kể và không ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, người này có thắc mắc rằng tại sao mình đã tiêm 3 mũi vắc xin nhưng rất lâu vẫn chưa âm tính. Đến ngày thứ 7, người này test nhanh vẫn cho kết quả dương tính.

Người bệnh có thắc mắc không biết tại sao lại như vậy và có cách nào để đào thải virus nhanh hơn không? Mặc dù sức khỏe ổn định nhưng do vẫn dương tính nên người bệnh không dám ra ngoài vì sợ lây nhiễm cho người khác.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trả lời vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, nói trên Sức khỏe & Đời sống, nếu đã xác định mắc Covid-19, ngươi bệnh nên tuân thủ cách ly theo quy định, tránh ra ngoài vì có thể lây nhiễm cho người khác dù sức khỏe ổn định.

Bác sĩ cho biết thêm việc tiêm đủ vắc xin không quyết định tới việc có mắc Covid-19 hay không. Thực tế như với trường hợp của bệnh nhân nói trên, dù đã tiêm 3 mũi nhưng vẫn mắc và cũng có nhiều trường hợp khác cũng như vậy.

Còn việc khỏi bệnh nhanh hay chậm là phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người. Như trường hợp của bệnh nhân nói trên, theo bác sĩ Khanh, nếu đã tiêm đủ mũi vắc xin, không có bệnh lý nền thì thời gian dương tính kéo dài không phải vấn đề lớn và không nên quá lo lắng.

Bác sĩ khuyến cáo người bệnh chỉ nên ra ngoài khi test nhanh đã âm tính hoặc xét nghiệm PCR có chỉ số CT lớn hơn 33. Khi chỉ số CT lớn hơn 33 thì khả năng lây nhiễm cho người khác là khó xảy ra. Bác sĩ Khanh nhấn mạnh một vấn đề là nếu người bệnh test nhanh vẫn còn dương tính thì không được ra ngoài cộng đồng.

Còn vấn đề đào thải virus nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào sức đề kháng của mỗi người. Chẳng hạn như những người có sức đề kháng tốt, cơ thể sẽ đào thải virus nhanh hơn. Hoặc người đã từng mắc bệnh, có sẵn miễn dịch trong người thì khả năng đào thải virus cũng có thể nhanh hơn.

Ngược lại, những người có sức đề kháng kém, cơ thể không sản sinh ra đủ kháng thể để bảo vệ cơ thể. Khi đó, virus sẽ tấn công mạnh và gây nên tình trạng viêm nhiễm, tổn thương phổi đồng thời kích thích hệ thống miễn dịch đáp ứng quá mức và lan rộng tạo thành cơn bão cytokine. Đây cũng là lý do người có bệnh lý nền, hệ miễn dịch kém thường bị nặng hơn khi mắc Covid-19.

Bác sĩ Khanh chia sẻ, để đào thải virus nhanh phải nâng cao sức đề kháng bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, sinh hoạt và luyện tập thường xuyên nhưng phải đảm bảo khoa học, phù hợp với cơ thể.

Với trẻ nhỏ và những người có bệnh lý nền như tiểu đường, tim mạch, suy thận cấp, suy thận mạn cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, theo tư vấn của bác sĩ hoặc cán bộ dinh dưỡng.

Với những trường hợp được chỉ định dùng thuốc kháng virus khi mắc Covid-19 nhằm đào thải virus nhanh hơn cũng cần phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.