Khi chăm sóc trẻ là F0, cha mẹ cần đặc biệt chú ý tới chế độ dinh dưỡng của con.
Có 3 món thường là khoái khẩu của bé những nên tránh xa vì có thể làm tình trạng của bé nặng thêm.
Đồ ăn cứng, khó tiêu hóa
Thành F0, trẻ sẽ mệt mỏi, chán ăn, sốt, vì vậy không nên ăn đồ cứng, đồ khó tiêu hoá vì sẽ rất khó hấp thụ.
Thay vào đó, nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt bằm với đậu xanh… và chia nhỏ bữa ăn.
Các món ăn chiên, rán, nướng
Theo BSCKI Đào Thị Hảo (Khoa Dinh dưỡng- Bệnh viện TWQĐ 108): Các loại thực phẩm chứa chất béo bão hoà như thức ăn nhanh, đồ chiên, rán, nướng… có thể làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây ra những phản ứng không tốt.
Chưa kể, ăn các loại thực phẩm này còn khiến trẻ đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu…
Thực phẩm chứa nhiều đường
Theo chia sẻ của bác sĩ Trần Văn Sỹ (Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 1A), các loại thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo bão hòa có thể dẫn đến căng thẳng, lo lắng và giấc ngủ bị xáo trộn – điều này sẽ khiến cơ thể mệt mỏi hơn. Vì thế cũng nên tránh xa.
Thay vào đó, cha mẹ có thể cho trẻ ăn 4 món này, rất tốt cho việc hồi phục ở trẻ
Các loại thịt cá giàu chất đạm
Chất đạm chính là nguyên liệu không thể thiếu để tạo ra các kháng thể giúp cơ thể chống đỡ lại các triệu chứng do Covid-19 gây ra. Đồng thời, nó vận chuyển dưỡng chất đi khắp cơ thể, cung cấp đủ sức chịu đựng cho cơ thể, hạn chế nguy cơ trở nặng.
Những thực phẩm có nhiều chất đạm gồm: thịt, cá, đậu, đỗ, sữa và các chế phẩm từ sữa, trứng.
Cơm và các loại thực phẩm cung cấp chất bột đường
Chất bột đường cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể. Trong một số tế bào các các mô như hồng cầu, não bộ thì chất bột đường là nguồn cung cấp năng lượng duy nhất. Vì vậy, người bình thường không nên bỏ qua thì người nhiễm Covid-19 càng không được bỏ qua.
Bạn có thể bổ sung chất bột đường thông qua thực phẩm họ đậu, khoai tây, ngô, bánh mì, gạo…
Thịt trứng sữa và các loại hạt chứa chất béo
Chất béo giúp cung cấp năng lượng và tăng khả năng hấp thu các loại vitamin tan trong dầu mỡ như vitamin A, D, E, K.
Những thực phẩm giàu chất béo gồm thịt, trứng, sữa, các loại hạt có dầu, bơ, mỡ lợn.
Uống nước lọc, nước hoa quả, nước điện giải
Ngoài ra bạn còn cần uống đủ nước, trung bình là 2 lit/ngày. Nếu có bị sốt, tiêu chảy thì cần uống nhiều hơn để tránh tình trạng bị mất nước. Đồng thời, bạn nên uống nước ấm và chia ra uống nhiều lần trong ngày, không nên chỉ uống khi thấy khát. Bạn có thể uống nước lọc, nước ép hoa quả nguyên chất để cung cấp thêm vitamin cho cơ thể.
Nếu trẻ lười ăn, mẹ có thể thử nấu các món cháo cho con dễ tiêu
Cháo gà
Món cháo gà nổi tiếng bổ dưỡng, dễ ăn lại rất tốt cho người đang bị ốm, đặc biệt là F0. Điều này là nhờ thịt gà chứa hàm lượng đạm và amino axit cao, có tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể, giúp chống viêm nhiễm. Khi bị cảm cúm, người bệnh ăn cháo gà sẽ giúp không bị đau rát cổ họng và dễ chịu hơn.
Cách nấu: Thịt gà nạc 100 g; gạo tẻ 1 nắm; hành ngò và gia vị vừa đủ. Gạo vo sạch rồi cho vào nồi nấu thành cháo chín nhừ. Thịt gà rửa sạch, băm nhỏ rồi xào sơ với các gia vị cho ngấm, sau đó cho vào cháo. Băm 1 íthành ngò và hạt tiêu vào bát cháo để giúp giải cảm tốt hơn. Người bệnh nên ăn cháo gà khi còn nóng.
Cháo tía tô + trứng gà + hành hoa
Món cháo tía tô kết hợp với trứng gà ta, hành hoa rất tốt cho F0 đang bị ho sốt. Trong lá tía tô có vị cay, tính ấm, có tác dụng chữa ho, sốt, cảm cúm và tăng đề kháng cơ thể.
Cách nấu: Bạn cần chuẩn bị 100 g gạo; 1 quả trứng gà ta; 1 nắm lá tía tô tươi; 3-5 nhánh hành hoa; 1 củ gừng tươi; 5-10 g hành khô; hạt tiêu và gia vị… vừa đủ.
Lá tía tô và hành hoa đem rửa sạch rồi thái nhỏ, hành khô dập rồi băm nhỏ, gừng thái sợi chỉ. Cho gạo vào nồi nấu thành cháo chín nhừ. Lấy lòng đỏ trứng gà cho vào bát cháo nóng rồi đánh đều lên. Sau đó cho các gia vị gồm lá tía tô, hành hoa và gừng vào nấu cùng, nếm gia vị vừa đủ là ăn được.
Người bệnh nên ăn cháo khi còn nóng để cơ thể ra mồ hôi. Dùng khăn mềm lau khô mồ hôi tránh để cho gió lạnh nhiễm vào người.
Cháo đậu xanh
Món cháo đậu xanh cũng rất tốt cho F0 đang bị ho sốt. Điều này là nhờ cháo đậu xanh có khả năng kích hoạt các tế bào lympho sản xuất kháng thể gây hại cho cơ thể, giúp chống viêm, hạ sốt và tiêu độc.
Cách nấu: Đậu xanh 1/3 lon; gạo tẻ 1 nắm. Đậu xanh đem ngâm vào nước trước khi nấu khoảng 1 giờ rồi cho vào nồi cùng gạo đã được vo sạch và nấu cho đến khi cả đậu xanh và gạo chín nhừ. Thêm gia vị vừa đủ là có thể ăn được.
Người bệnh nên ăn khi cháo còn nóng, ăn cháo đậu xanh trong vòng 2-3 ngày sẽ giúp giảm triệu chứng cảm cúm, hạ sốt.