Quá trình vượt qua virus của vị chuyên gia này rất nhẹ nhàng, không cần sử dụng thuốc mà chỉ tập trung vào chế độ ăn uống, nghỉ ngơi.

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị, TS. Nguyễn Hồng Vũ – Viện nghiên cứu City of Hope, California, Mỹ – Cố vấn khoa học của Ruy Băng Tím (tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam) chia sẻ rằng sự xuất hiện của Omicron đã khiến nhiều nước phải đối mặt với làn sóng Covid-19 mới. Mỹ cũng không ngoại lệ. Lúc này, anh cũng đã chuẩn bị sẵn kiến thức và những vật dụng cần thiết đề phòng trường hợp mình bị nhiễm bệnh.

Ban đầu, phòng thí nghiệm của TS Vũ có 1 F0. TS Vũ và vợ đều tiếp xúc gần với F0 này. Theo quy định, hai vợ chồng anh được test PCR 2 lần, cách nhau 3-5 ngày. Ở lần test đầu tiên, cả hai đều có kết quả âm tính. Trong lần test thứ 2 vì quá tải nên TS Vũ đặt lịch test cho vợ trước và chị vẫn âm tính.

Lần test thứ 2 của TS Vũ cách lần thứ nhất 5 ngày. Kết quả có sau 24 giờ và anh được thông báo dương tính với Covid-19, phải cách ly 5 ngày. Vợ anh cũng ở chung nhà nên phải làm xét nghiệm và kết quả cũng là dương tính.

tien-si-viet-tai-my-chia-se-cach-chien-thang-omicron-khong-dung-thuoc-01

Hai ngày đầu khi phát hiện mình nhiễm bệnh, TS Vũ có các triệu chứng như đau rát cổ, sốt nhẹ, toàn thân mệt mỏi. Với tình trạng này, anh chỉ nghỉ ngơi, ăn cháo, uống nước ấm, ăn nhiều trái cây. Hai ngày sau đó, anh đã hồi phục và 5 ngày sau có thể trở lại làm việc. Vợ TS Vũ cũng không có triệu chứng gì.

Con gái TS Vũ còn nhỏ nên khó cách ly với cha mẹ. Tuy nhiên, trong suốt thời gian cha mẹ bị bệnh, bé vẫn âm tính. Theo TS Vũ, đây không phải điều quá bất ngờ vì trẻ nhỏ có khả năng kháng Covid-19 tốt hơn nhiều so với người lớn. Đến nay, trẻ nhiễm Covid-19 đều có khả năng đẩy lùi virus tốt trừ những trường hợp mắc bệnh mạn tính, tiểu đường, béo phì.

Theo TS Vũ, khi nhiễm Covid-19, đa phần người trẻ khỏe, đã tiêm vắc xin đều có biểu hiện nhẹ và các triệu chứng sẽ hết trong vòng 10 ngày đến 2 tuần. Trừ một số trường hợp có bệnh nên hoặc suy giảm miễn dịch thì bệnh tình có thể trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt, người trên 60 tuổi khi nhiễm Covid-19 thường sẽ tiến triển nặng hơn và cần phải theo dõi sát sao.

TS Vũ cho biết, khi bị Covid-19 anh bị sốt dưới 38,5 độ C nên không sử dụng bất cứ thuốc gì. Theo anh, sốt là phản ứng bình thường của cơ thể để chống lại virus.

Tuy nhiên, nếu bị sốt từ 39 độ C trở lên, các bộ phận khác trong cơ thể có thể bị tổn thương. Vì vậy, lúc này cần uống thuốc hạ sốt để đưa thân nhiệt về mức ổn định.

TS Vũ nhấn mạnh việc sử dụng thuốc hạ sốt và thuốc điều trị Covid-19 cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Người bệnh chỉ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể cao hơn 38,5 độ C.

Ngoài ra, không phải F0 nào cũng cần sử dụng thuốc kháng virus. Nguyên nhân là do khi virus đi vào cơ thể, chúng sử dụng các vật liệu của tế bào trong cơ thể để nhân lên. Khi đó, khoảng cách phân việt được virus hay tế bào lành của cơ thể là rất nhỏ. Nếu dùng thuốc kháng virus quá sớm hoặc không có chỉ định, có thể vô tình làm hại đến các tế bào lành trong cơ thể. Thuốc kháng virus cũng có phản ứng phụ cao hơn các loại thuốc khác vì nó tác động chính vào các tế bào trong cơ thể.

Theo TS Vũ, những người có bệnh lý nền có nguy cơ chuyển nặng khi nhiễm Covid-19 mới cần sử dụng thuốc kháng virus sớm. Loại thuốc này được sử dụng càng sớm thì càng có hiệu quả. Tuy nhiên, cần cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ. Người bệnh cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Thay vì tìm các loại thuốc kháng virus, nhất là các loại đang được rao bán với giá “trên trời” thì F0, đặc biệt là người đã tiêm vắc xin nếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ chỉ cần nghỉ ngơi, uống nước ấm, ăn uống đủ dưỡng chất và làm theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.