Rất nhiều người lao động quan tâm, từ tháng 7 khi tăng lương tối thiểu vùng thì lương hưu có tăng theo hay không.
Lương hưu được tính theo mức lương đóng bảo hiểm xã hội, không thấp hơn lương tối thiểu vùng. Từ 1/7, lương tối thiểu tăng 6% nên hầu hết người lao động đang đóng bảo hiểm có lợi về lương hưu.
Cụ thể, khoản 2.6 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 về mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối thiểu quy định: “Người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng”.
Đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%.
Công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội này là căn cứ để tính lương hưu sau này. Lương hưu sau thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 20 năm dao động ở mức 45% tới 75% bình quân tiền lương tháng trong suốt thời kỳ đóng bảo hiểm.
Áp theo các quy định nêu trên, khi lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng thêm 6% (từ 180.000 đồng – 260.000 đồng tùy vùng), mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hầu hết tăng tương ứng vì thực tế, nhiều doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hàng tháng bằng với mức lương tối thiểu.
Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ tháng 7 này dẫn đến tiền lương hưu của những người lao động hiện đang tham gia bảo hiểm xã hội cũng sẽ tăng. Mức tăng cụ thể thì tùy thuộc từng trường hợp, “chạy” theo số năm đóng bảo hiểm của mỗi người lao động.
Nguyên tắc là mức hưởng lương hưu tỷ lệ thuận với mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nghĩa là mức đóng bảo hiểm xã hội càng cao, thời gian đóng càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn.
Ngoài ra, đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tiền lương hưu còn được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Thời gian qua, mức lương hưu của người nghỉ hưu liên tục được nâng lên, trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ Bảo hiểm xã hội.
Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống cho người về hưu. Gần đây nhất, năm 2022, khi lương tối thiểu phải “neo” hơn 2 năm do tình hình khó khăn chung bởi dịch bệnh Covid-19, Nhà nước vẫn quyết định điều chỉnh lương hưu với mức tăng chung là 7,4% (áp dụng từ 1/1/2022).