Hiện nay, tình trạng tái nhiễm Covid-19 đang ngày càng phổ biến. Thường thì tái nhiễm sẽ nhẹ hơn lần đầu mắc, nhưng không phải trường hợp nào cũng thế.

Trường hợp dương tính Covid-19 3 lần trong nửa năm

Nhiều người cho biết họ đã tái nhiễm COVID 1-3 tháng sau lần 1, nhưng triệu chứng thường nhẹ hơn lần 1. Tuy nhiên, cũng không ít người tái mắc có biểu hiện nặng hơn lần trước.

Chị N.T.M (24 tuổi, tại TP HCM) hoang mang khi chỉ trong nửa năm, chị liên tiếp mắc COVID-19 đến tận 3 lần.

8

Lần 1 là vào 25/7/2021 khi TP HCM đang là điểm nóng của cả nước về số ca mắc COVID-19. Sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID, chị M xuất hiện ho, đau họng nên chủ động test nhanh COVID-19 và đã cho kết quả dương tính. Vì không thấy triệu chứng nghiêm trọng, chị M tự mua thuốc theo đơn của bác sĩ, tự điều trị tại nhà và âm tính sau 14 ngày. Đến 4/11/2021, chị M lại thấy nhức đầu liên tục, chị tiếp tục test và nhận kết quả ‘2 vạch đỏ chót’. Mặc dù hoang mang, nhưng chị dùng thuốc đau đầu và có kết quả âm tính sau hơn chục ngày. Tuy nhiên, đến đầu tháng 3 vừa rồi, chị M một lần nữa mắc Covid-19. Việc nhận thông tin trở thành F0 lần 3 khiến chị M vô cùng mệt mỏi.

“Tôi nghĩ mình bị nhiễm biến chủng Omicron vì lần này triệu chứng khác hẳn 2 lần trước. Lần này tôi thấy lạnh run nhưng đổ mồ hôi ướt áo và đau nhói vùng phổi, bụng. Sau khi bị 2 lần thì tôi cảm thấy như thành con người khác, tâm lý thay đổi, ai nói gì đụng chạm là khóc tu tu ngay được”, chị M chia sẻ.

Theo chị M, công việc của chị là dạy học nên phải tiếp xúc nhiều học sinh F0. Do đó, lần này chị mắc cũng là điều không tránh khỏi. Nhưng chị khá nản và không có động lực bởi 2 lần trước chị mất trên 10 ngày mới về kết quả âm tính. Mỗi lần như vậy lại tốn kha khá tiền thuốc.

Ít lần tái nhiễm hơn chị M, anh N.T.T (31 tuổi, ở Phú Thọ) cho biết anh phát hiện mắc COVID-19 lần 1 qua test nhanh vào cuối tháng 11/2021.

Sau đó, anh T tự cách ly điều trị tại nhà tới ngày 4/12/2021 đã âm tính. Anh T tiếp tục cách ly điều trị tại nhà đến hết ngày 13/12/2021 theo quy định của địa phương.

Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng, đến ngày 24/2, anh phát hiện mình tái dương tính, triệu chứng như lần 1, sốt trên 37 độ C, ho khan theo cơn, rát họng và sổ mũi.

Anh T cho biết ở lần nhiễm đầu, triệu chứng của anh cũng là sốt trên 37 độ C, rát họng và ho theo cơn. Sau khi âm tính trở lại, di chứng kéo dài cả tháng là ho khan, hụt hơi và người nhanh mệt. Trong quá trình điều trị, anh có dùng Molnupiravir, thuốc hạ sốt Paracetamol, vitamin C, thuốc ho long đờm.

Theo anh T, ở lần tái nhiễm này, anh uống thuốc cảm cúm, kết hợp ăn uống, giữ tinh thần thoải mái. Chỉ sau đó 4 ngày, anh đã test lại và cho kết quả âm tính.

13

Chuyên gia giải thích lý do cụ thể

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng, cho biết trong số 100 F0 được anh tư vấn điều trị tại nhà mỗi ngày, có khoảng 5-10% đã khỏi bệnh, song lại xét nghiệm dương tính sau 3 tuần đến một tháng.

“Các bệnh nhân này có thể bị tái nhiễm biến chủng mới. Bên cạnh đó, còn có một giả thuyết là có thể lần xét nghiệm âm tính đầu tiên, bệnh nhân lấy mẫu không chuẩn, hoặc có thể lúc này SARS-CoV-2 không còn trong dịch tỵ hầu nữa nhưng ở sâu trong phổi vẫn còn.

Sau khi biết âm tính, bệnh nhân không chú trọng bảo vệ sức khỏe, cơ thể yếu đi khiến virus vẫn còn trong phổi hoạt động trở lại, làm xuất hiện các triệu chứng và xét nghiệm cho thấy tái dương tính.

Chính điều này khiến bệnh nhân nhầm tưởng họ tái nhiễm, trong khi thực tế chỉ là tải lượng virus còn dư kể từ lần nhiễm trùng ban đầu. Muốn chắc chắn xác định là tái nhiễm cần giải trình tự gene virus”, BS đặt ra giả thuyết.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết trong số những bệnh nhân ông từng điều trị, có trường hợp tái nhiễm COVID-19 chỉ sau 3 tuần kể từ ngày âm tính.

Bác sĩ Phúc cho biết thêm thông thường các bệnh nhân tái nhiễm đều có triệu chứng nhẹ, được điều trị tại nhà và có nhiều người tái nhiễm lần 2, thậm chí cũng có số ít người tái nhiễm lần 3.

Lý giải về trường hợp số ít này, BS Phúc cho biết nếu 1 người tái nhiễm COVID đến 3 lần thì mỗi lần là một biến chủng khác nhau (chẳng hạn như Alpha, Delta, Omicron). Các lần tái nhiễm sau nặng hơn lần trước có thể là do mỗi lần mắc một biến chủng khác nên có triệu chứng nặng nhẹ khác nhau. Ví như nhẹ nhất là Alpha, sau là Omicron, cuối cùng triệu chứng nặng nhất là nhiễm biến chủng Delta.

“Tuy nhiên, hiện, vẫn chưa có bằng chứng khoa học hay thống kê cụ thể về việc người tái nhiễm có triệu chứng nặng hay nhẹ hơn so với lần đầu”, BS Phúc nói.