Đặt tỏi vào thùng gạo sẽ mang lại kết quả bất ngờ. Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Mọt gạo là loại côn trùng gây hại làm giảm giá trị dinh dưỡng và vị ngon của gạo. Nhiều người cho rằng gạo để lâu sinh mối mọt. Tuy nhiên, chúng đã có trong gạo ngay từ khi mua về. Sau một thời gian bảo quan, sâu mọt sẽ nở ra và bắt đầu gặm nhấm các hạt gạo.
Gạo nhiễm ấu trùng gạo, sâu mọt chưa nở thì khi chế biến ở nhiệt độ cao, chúng sẽ chết đi và không làm ảnh hưởng đến chất lượng của gạo. Tuy nhiên, gạo đã bị mối mọt ăn thì hương vị lẫn chất lượng đều bị ảnh hưởng.
Để ngăn chặn tình trạng mọt sinh sôi và ăn gạo, ngay khi mua về, bạn hãy áp dụng những mẹo nhỏ dưới đây.
Bảo quản gạo bằng hạt tiêu
Để tránh các sinh vật có hại xâm nhập vào thùng gạo, bạn nên chuẩn bị vài túi hạt tiêu khô (hoặc hạt hoa tiêu khô). Dùng loại túi làm bằng vải xô để mùi của hạt tiêu có thể tỏa ra dễ dàng mà không làm lọt hạt tiêu ra ngoài.
Đặt túi một túi hạt tiêu ở đáy thùng gạo, một túi ở giữa và một túi ở trên cùng.
Hạt tiêu có chất chống oxy hóa tự nhiên và có mùi hương đặc trưng. Một gạo không chịu được mùi này sẽ phải bỏ chạy.
Lưu ý, hạt tiêu để một thời gian sẽ bị mất dần mùi vị nên bạn cần phải thay mới để duy trì hiệu quả.
Bảo quản gạo bằng tỏi
Bạn hãy lấy vài củ tỏi chưa bóc vỏ và đặt rải rác trong thùng gạo. Mùi tỏi lan rộng sẽ khiến mọt gạo sợ và bỏ chạy.
Mùi của tỏi sẽ không làm ảnh hưởng đến hương vị của gạo khi nấu chín.
Bảo quản gạo bằng vỏ cam, vỏ quýt khô
Sau khi ăn cam, quýt, bạn hãy đem phần vỏ đi phơi hoặc sấy thật khô. Sau khi phơi khô, hãy đem vỏ cam, quýt đặt ở các vị trí khác nhau trong thùng gạo. Mùi cam, quýt cũng có tác dụng nhất định trong việc xua đuổi các sinh vật có hại. Đặc biệt, mùi thơm từ vỏ trái cây sẽ giúp gạo thơm ngon hơn.
Bảo quản gạo bằng cách làm lạnh
Bạn có thể sử dụng chai nhựa sạch, để khô, chia gạo vào các chai, đậy kín nắp vào bỏ vào tủ lạnh. Nếu không có chai, bạn có thể sử dụng các túi nilon sạch, túi zip để đựng gạo. Hãy đảm bảo các dụng cụ đựng gạo phải thật khô bởi khi dính nước gạo rất nhanh bị thối mốc.
Sau đó, bỏ gạo vào tủ lạnh. Vì không sợ bị đông cứng nên bạn có thể bỏ gạo ở ngăn mát hoặc ngăn đông, miễn là nơi có chỗ để. Nhiệt độ thấp sẽ làm sâu mọt trong gạo không thể phát triển.
Mẹo đuổi mọt trong gạo
Nếu trong nhà có gạo đã bị mọt, bạn đừng vội vứt đi.
Hãy cho phần gạo bị mọt vào túi hoặc hộp đậy kín rồi bỏ vào ngăn đá trong vòng 24h. Nhiệt độ thấp sẽ khiến các con mọt đông cứng. Sau đó, bạn bỏ gạo ra và dùng bình thường. Khi vo gạo, con mọt sẽ tự nổi lên mặt nước, chỉ cần vớt bỏ chúng là được.
Lưu ý khi bảo quản gạo
Gạo có khả năng hút ẩm cao. Vì vậy, bạn cần để gạo ở nơi khô ráo, thoáng mát. Tuyệt đối không để gạo ở nơi ẩm ướt hoặc có ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào. Độ ẩm cao có thể làm gạo bị mốc, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Thùng gạo cần có nắp đậy. Sau mỗi lần sử dụng, hãy đậy nắp thùng gạo thật kín để các sinh vật có hại không thể tấn công.