Nếu bạn thường xuyên phải hỏi ‘Bạn vừa nói gì vậy?’, ‘Thứ dùng để viết nằm ở đâu?’, bạn nên đi khám.

Ảnh: Pinterest

Alzheimer là căn bệnh mất trí nhớ phổ biến. Tuy nhiên, quá trình phát triển của bệnh rất chậm, khó xác định thời điểm khởi phát sớm nhất. Thời gian ủ bệnh có thể từ vài tháng đến vài năm hoặc có thể lên tới 20 năm. Vì vậy, việc phát hiện các dấu hiệu của bệnh Alzheimer càng sớm càng tốt để can thiệp là rất quan trọng. Nếu bạn phát hiện ra những triệu chứng này, bạn phải đi khám bệnh kịp thời.

1. ‘Bạn vừa nói gì vậy?’

Suy giảm trí nhớ là triệu chứng đầu tiên của bệnh sa sút trí tuệ. Biểu hiện chính là khó nhớ những điều vừa xảy ra. Người bệnh thường quên những gì mình vừa nói hoặc làm xong và không thể nhớ được.

2. ‘Anh còn có người phụ nữ nào khác ngoài em không?’

Người tốt bụng có thể trở nên ích kỷ, hay nghi ngờ, trở nên phi lý, cáu kỉnh sau khi mắc chứng mất trí nhớ. Họ có thể nghi ngờ nhiều điều khác nhau hàng ngày và rất mất lòng tin vào những người xung quanh. Họ thường đột ngột khóc, chửi thề, tra hỏi bạn tình hay bạn đời chuyện ngoại tình…

3. ‘Tôi nhớ gia đình mình đã đi dạo như thế này’

Người bệnh không có khái niệm về thời gian và địa điểm. Nếu ra ngoài thường quên đường về nhà và thường xuyên bị lạc.

4. ‘Thứ dùng để viết nằm ở đâu?’

Bệnh Alzheimer cũng có thể gây ra vấn đề về khả năng diễn đạt của bệnh nhân, khiến họ không thể diễn đạt chính xác nhu cầu của mình. Chẳng hạn, họ muốn tìm hoặc nói điều gì đó nhưng thường không nghĩ ra được tên của sự việc, sự vật. Ở trường hợp cụ thể, họ có thể muốn một cây bút nhưng không thể nghĩ ra tên của nó và thay vào đó sử dụng cụm từ “để viết”.

Nguyên nhân của bệnh Alzheimer

– Một là tuổi tác. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ mắc chứng mất trí nhớ tăng theo tuổi tác. Cứ tăng thêm 6,3 tuổi, nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ sẽ tăng gấp đôi. Tỷ lệ mắc chứng mất trí nhớ hàng năm ở người từ 60-64 tuổi là 0,39% và sẽ tăng lên 10,48% ở những người trên 90 tuổi.

– Hai là thói quen ăn uống. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Con người và Dịch vụ Xã hội Sức khỏe Nhật Bản đã chỉ ra có mối quan hệ chặt chẽ giữa thói quen ăn uống và sự xuất hiện của bệnh Alzheimer. Trong đó, những người bỏ bữa sáng lâu ngày có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4 lần so với các đối tượng khác; những người quen ăn vặt hoặc không chú ý đến chế độ ăn sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh lên 2,7 lần.

– Thứ ba là các bệnh về tim mạch và mạch máu não. Nếu mắc các bệnh tim mạch như huyết áp cao, cholesterol cao có thể dẫn đến tổn thương, suy giảm chức năng mạch máu. Riêng cholesterol cao còn có thể tạo ra một lượng lớn protein β-amyloid trong tế bào thần kinh não, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

– Thứ tư là trình độ học vấn và kỹ năng xã hội. Một số người có trình độ học vấn thấp, thiếu tương tác xã hội và hiếm khi sử dụng bộ não của mình hàng ngày, khi đó não sẽ thoái hóa nhanh hơn. Điều đó khiến họ dễ bị tổn thương hơn và dễ mắc bệnh Alzheimer.

8 việc giúp ngăn bệnh mất trí nhớ

Trong báo cáo đặc biệt về phòng ngừa, can thiệp và chăm sóc chứng sa sút trí tuệ do tuần san y khoa uy tín, lâu đời nhất thế giới The Lancet công bố, 12 yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ đã được nêu ra. Cụ thể, các yếu tố nguy cơ chính là trình độ học vấn thấp, giảm thính lực, huyết áp cao, béo phì, hút thuốc, trầm cảm, ít hoạt động xã hội, không hoạt động thể chất, tiểu đường, uống quá nhiều rượu ở tuổi trung niên, chấn thương đầu và tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong cuộc sống.

Nghiên cứu cũng đưa ra các khuyến nghị để ngăn ngừa chứng mất trí nhớ, chủ yếu là:

– Nên kiểm soát huyết áp tâm thu dưới 130mmHg từ tuổi 40

– Giảm thiểu tình trạng mất thính lực

– Ít tiếp xúc với ô nhiễm không khí hay khói thuốc thụ động

– Tránh xa rượu và thuốc lá

– Ở độ tuổi trung niên và lão niên, bạn cũng phải duy trì mối quan hệ xã hội của riêng mình và giao tiếp với người khác nhiều hơn.

– Tránh để bản thân bị chấn thương đầu

– Học tập thường xuyên

– Giảm và kiểm soát béo phì, tiểu đường và các bệnh khác

Sự xuất hiện của chứng mất trí nhớ sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống bình thường và tuổi thọ. Vì vậy chúng ta phải hết sức chú ý đến điều này, quan sát hoạt động thể chất nhiều hơn và can thiệp càng sớm càng tốt khi các triệu chứng xuất hiện ở giai đoạn đầu.

Theo Hằng Trần (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: www.giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link