Vừa qua, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do đặc thù dịch bệnh mới nổi nên công tác phòng chống, kiểm soát và nhất là chi phí điều trị vẫn cần có kế hoạch nghiêm ngặt.
Vừa qua, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B. Đây là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự thành công trong phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngành y tế về phòng chống dịch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do đặc thù dịch bệnh mới nổi nên công tác phòng chống, kiểm soát và nhất là chi phí điều trị vẫn cần có kế hoạch nghiêm ngặt.
Nỗi lo chi phí điều trị
Là người từng mắc Covid-19, bà Nguyễn Thị Tú (68 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn không quên thời gian 1 tháng điều trị tại bệnh viện dã chiến khi được các y, bác sĩ tận tình chăm sóc từ thuốc men cho tới ăn uống, sinh hoạt hàng ngày mà không phải bỏ ra bất cứ chi phí nào. “Tôi thấy Bộ Y tế chuyển dịch Covid-19 thành nhóm B lưu hành thường xuyên như cúm mùa là kịp thời, nhưng rất lo vì Covid-19 vẫn dễ lây nhiễm.
Nếu người cao tuổi như tôi không may bị mắc Covid-19 lần nữa, phải nhập viện thì liệu có được điều trị, chăm sóc miễn phí như trước đây không?”, bà Tú băn khoăn. Cùng chung suy nghĩ, anh Lê Huy Linh (45 tuổi, ở Lương Sơn, Hòa Bình) lo lắng: “Tôi được biết khi dịch Covid-19 trở thành dịch nhóm B thì việc điều trị sẽ không được miễn phí như trước nữa, trong khi tôi lại là lao động tự do, không có bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế (BHYT)”.
Theo đại diện Bộ Y tế, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định người mắc bệnh dịch nhóm A được khám và điều trị miễn phí, nhằm giúp người bệnh yên tâm chữa bệnh, không phải lo lắng về gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, cũng như giúp các biện pháp chống dịch được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, với những dịch bệnh truyền nhiễm nhóm B, người bệnh sẽ phải chi trả chi phí điều trị, thuốc men nếu không có BHYT.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thông tin: “Đây chỉ là thay đổi trong thanh toán, còn phác đồ và phương thức điều trị Covid-19 vẫn như bình thường, không phân biệt dịch nhóm A hay B”. Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho biết, vì Covid-19 là dịch bệnh có tính chất đặc thù nên một số chính sách đang được xem xét để có kế hoạch phù hợp, vừa đảm bảo kiểm soát tốt dịch, vừa đảm bảo quyền lợi của người dân.
Chủ động kiểm soát để thích ứng
Dù đã công bố dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn nhấn mạnh đại dịch chưa kết thúc. Đại diện WHO tại Việt Nam cũng đưa ra các khuyến cáo, đó là không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh và đưa tiêm chủng vaccine Covid-19 vào Chương trình tiêm chủng quốc gia hay tiêm chủng suốt đời.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, hiện chúng ta đã kiểm soát được dịch Covid-19 với số ca mắc và tử vong ở mức rất thấp, nên việc chuyển dịch bệnh này sang nhóm B sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho công tác phòng chống dịch, giảm áp lực lên các cơ sở y tế và nhân viên y tế. Tuy nhiên, Covid-19 vẫn là dịch bệnh mới nổi với nhiều đặc thù, trong đó đáng lo là virus có tốc độ lây lan nhanh, dễ biến chủng nguy hiểm hơn khiến dịch có thể bùng phát trở lại. Do đó, khi Covid-19 trở thành dịch nhóm B, cần phải có những nghiên cứu và biện pháp ứng phó thích hợp để vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên cơ sở đặt sức khỏe và tính mạng người dân lên trên hết.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng, dịch Covid-19 đã được khống chế trên toàn thế giới, tỷ lệ tử vong do dịch Covid-19 từ đầu năm 2023 đã giảm ít nhất 20 lần so với trước đây. Dịch Covid-19 cũng đang được giám sát chặt chẽ trên toàn thế giới nên ít có khả năng gây bất ngờ. Tuy nhiên, việc chuyển Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A cũng có một số thách thức. Trên bình diện thế giới, dù khả năng Covid-19 tạo ra biến chủng mới là rất thấp nhưng trên lý thuyết vẫn có thể xảy ra, vì vậy vẫn cần phải giám sát dịch tễ và sinh học phân tử của sự xuất hiện biến chủng mới. Từng quốc gia vẫn tiếp tục kiểm soát các ca bệnh Covid-19.
Dù đa số người dân đã được tiêm chủng nhưng một số người do bệnh lý (như ung thư đang hóa trị, phản vệ khi tiêm vaccine) nên chưa có được miễn dịch đầy đủ với Covid-19. Do đó, đối tượng này cần phải được quan tâm và ngành y tế cần giúp những người này có thể tiếp cận với dịch vụ phòng bệnh Covid-19, thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ. “Xã hội cần quan tâm thực hiện biện pháp phòng tránh Covid-19 để bảo vệ người cao tuổi và người có bệnh nền, phát hiện sớm và điều trị kịp thời nếu họ mắc Covid-19. Bộ Y tế cần có cơ chế để tiêm chủng miễn phí các mũi tiêm nhắc Covid-19 cho đối tượng này”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng kiến nghị.
“Tại nước ta, với các dịch bệnh nhóm A, việc phòng chống chủ yếu là các biện pháp về hành chính xã hội, khi sang nhóm B thì bỏ các hoạt động kiểm soát về hành chính xã hội. Do đó, các địa phương phải chủ động rà soát tình hình dịch trên địa bàn và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Trong đó, tập trung bảo đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch Covid-19 cùng với việc quản lý các bệnh truyền nhiễm khác, góp phần phát triển kinh tế – xã hội; tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng và tiêm chủng vaccine”- GS-TS PHAN TRỌNG LÂN, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Theo Minh Khang – Minh Nam (sggp) – Ảnh: T.H