Theo bác sĩ Thanh Sang, với nhóm trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt, dù là trong đêm, phụ huynh cũng nên đưa con đi khám vì 80% nguyên nhân là nhiễm trùng.
Tất cả trẻ sốt > 24 tiếng đều phải được thăm khám bởi bác sĩ nhi khoa. Ảnh: health.mingpao.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), những trẻ bị sốt, đặc biệt là sốt siêu vi đôi khi sẽ sốt rất cao, lên tới 39-40 độ C và uống thuốc nhưng vẫn không hạ. Trẻ có thể chỉ giảm xuống 38 độ C sau đó tiếp tục sốt cao.
“Tất cả trẻ sốt > 24 tiếng đều phải được thăm khám bởi bác sĩ nhi khoa. Tuy nhiên, nhiều trẻ sau khi đi khám về nhà uống hạ sốt nhưng không hạ được, cha mẹ cũng đừng quá lo lắng”, bác sĩ Sang nói.
Bản chất của cơn sốt đó chính là quá trình cơ thể chiến đấu với vi sinh vật. Nhiệt độ cao của cơ thể sẽ bất hoạt các vi khuẩn, virus… để từ đó tế bào miễn dịch của trẻ dễ dàng làm việc đẩy vi sinh vật gây hại ra khỏi cơ thể.
Tất cả trẻ dưới 3 tháng tuổi phải đi khám khi sốt
Vị chuyên gia này nhấn mạnh dù là trong đêm, phụ huynh cũng nên đưa con đi khám vì 80% nguyên nhân nhóm trẻ này là nhiễm trùng. Đặc biệt, trẻ có thể mắc một số bệnh cảnh nặng như viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Vì vậy, khi phát hiện bé dưới 3 tháng tuổi kẹp nhiệt độ ở nách 38 độ C, bú ít, đừ và mệt hơn bình thường, cha mẹ là phải đưa con đi khám ngay.
“Tôi từng khám nhiều bé dưới 3 tháng chỉ bú ít, không sốt, vẻ lừ đừ hơn bình thường có kết quả khám mắc viêm màng não. Việc điều trị kháng sinh càng sớm càng giảm tỷ lệ biến chứng lên nhóm trẻ này”, bác sĩ Thanh Sang cho hay.
Không nhất định nhiệt độ phải giảm từ 40 độ C xuống 37 độ C
Theo bác sĩ Sang, tâm lý phải hạ nhiệt độ của trẻ xuống 37 độ C là chưa phù hợp. Nhiều bé sốt rất khó hạ, đặc biệt trong 3-5 ngày đầu.
Khi bé sốt từ 38,5 độ C, cha mẹ có thể cho uống một liều hạ sốt paracetamol (acetaminophen) là 10-15 mg/kg và không quá 60 mg/kg/ngày.
Nhiệt độ cơ thể trẻ chỉ cần giảm thấp hơn trước khi uống hạ sốt là có thể tạm chấp nhận. Ví dụ, trẻ 10,5 kg sốt 40 độ C, uống một gói paracetamol 150 mg. 30 phút sau, trẻ xuống 38,5 độ C, đỡ mệt, đỡ quấy, ngủ ngon hơn… cha mẹ không cần cho con dậy để lau mát hoặc uống thêm thuốc để hạ xuống 37 độ C như bình thường.
Nhiều trẻ rất khó hạ sốt. Ảnh: Vecteezy.
Co giật không liên quan đến trẻ sốt cao hay thấp
Điều này phụ thuộc vào cơ địa của từng bé. Ví dụ, trẻ có thể sốt 40 độ C vẫn không co giật nhưng có bé chỉ sốt 38 độ C đã xuất hiện hiện tượng này.
Co giật do sốt thường ít khi ảnh hưởng tới não hay khiến trẻ chậm phát triển như một số tin đồn. Nhóm trẻ cần đánh giá thần kinh là trẻ co giật nhưng không sốt hoặc co giật liên tục không rõ lý do. Trường hợp này nên đưa đến bệnh viện để khám loại trừ động kinh hay các vấn đề thần kinh khác.
Theo phác đồ của Bộ Y tế, ibuprofen không được sử dụng ở nhà hoặc không dùng khi chưa loại trừ sốt xuất huyết. Phụ huynh muốn dùng nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc đã loại trừ sốt xuất huyết.
Không quá lo lắng khi trẻ chưa hạ sốt sau khi uống thuốc
Bác sĩ Sang nhấn mạnh sau khi cho trẻ uống hạ sốt nhưng bé chưa hạ, phụ huynh không nên lo lắng hay bắt con uống thêm thuốc. Việc này có thể gây hại gan, thận của trẻ.
Cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp vật lý giúp con hạ nhiệt:
- Mặc một lớp đồ mỏng nhất có thể, thậm chí một số trẻ chỉ mặc bỉm.
- Không lau mát nếu không sốt quá cao hơn 40 độ C. Dưới 40 độ C, bạn nên để bé ngủ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc lau mát không giúp nhiệt độ trẻ giảm nhanh hơn việc uống thuốc đơn thuần.
- Uống thật nhiều nước, nước có điện giải (cần pha đúng tỷ lệ).
- Môi trường thông thoáng hoặc nhiệt độ phòng 24-25 độ C.
- Miếng dán hạ sốt không giúp trẻ hạ sốt.
Gia đình nên đưa con tái khám ngay khi có một trong những dấu hiệu nặng hoặc sốt kèm theo triệu chứng mới (thở mệt hơn, đừ hơn, sốt cao hơn, tiêu chảy liên tục…).
“Cha mẹ hãy ở bên cạnh, lắng nghe con, theo dõi những bất thường mới xuất hiện, không cần uống thuốc tiếp nếu chưa đủ 4-6 tiếng hoặc lau mát con” bác sĩ Sang cho hay.
Theo Phương Anh (zing) – Ảnh: T.H