Nồi lẩu bốc khói nóng hổi với thứ nước dùng đậm vị cua, dậy mùi dấm bỗng, thấm quện vào những sợi bún, sợi bánh đa đỏ, đưa đẩy vị giác, khứu giác những ngày miền Nam mưa rào se lạnh.

Giữa cung đường Hoàng Sa tấp nập quán xá, quán nhà chị My khiêm tốn một góc gần ngã tư giao đường Trần Khắc Chân, treo tấm biển “Bún riêu, lẩu riêu cua, phở gà Hà Nội”. Mặt tiền khoảng 35 m2 chia làm hai tầng, mỗi tầng bốn, năm bàn hầu như chẳng lúc nào vơi khách. Những tối cuối tuần, xe cộ càng thêm chật ních trước cửa quán ăn.

Buổi sáng hay ban trưa, thực khách chuộng bún riêu, phở gà cho bữa ăn nhanh gọn đan xen khung giờ đi làm, đi học. Nhưng hễ đến tối, lẩu riêu lên ngôi, không khác gì vedette trong thực đơn của quán. Nồi lẩu có vài ba kích cỡ, tùy theo lượng người ăn, rực màu đỏ của cà chua và váng mỡ, đầy ăm ắp hành lá xắt nhỏ, đậu rán vàng ươm.

Nồi lẩu riêu đầy ăm ắp đậu rán sẵn, kèm theo các loại toping đúng chuẩn lẩu riêu xứ Bắc. Ảnh: Phong Kiều
Nồi lẩu riêu đầy ăm ắp đậu rán sẵn, kèm các loại toping theo kiểu lẩu riêu xứ Bắc. Ảnh: Phong Kiều

Kèm theo mỗi set lẩu là khay rau với mướp, mồng tơi, hoa chuối; bò tái thơm ngọt; sườn sụn sần sật; giò tai dày thịt; gạch cua đậm đặc; quẩy rán ngoài giòn trong mềm cùng đĩa bún, đĩa bánh đa.

Thay vì đánh tan riêu cua vào nước dùng lẩu như ngoài Bắc, chủ quán tự làm riêu đóng thành miếng, đựng trong chén con. Áng chừng mỗi ngày, chị My bán được 5-7 kg riêu cua. Quẩy, đậu được chị mua của người gốc Bắc sống tại Sài Gòn, có độ giòn, xốp, béo, bùi đặc trưng. Riêng với dấm bỗng, chị My vận chuyển từ Hà Nội vào Nam, mỗi tháng một lần, mỗi lần cỡ 200 lít.

Nước vừa sôi, khói cuộn lên mang theo mùi chua thanh nhẹ nhàng của dấm bỗng hòa với hương thơm đầy kích thích của hành phi. Gần cuối nồi, nước đậm vị hơn bởi sánh quyện nhiều chất ngon, ngọt tiết ra từ đồ nhúng lẩu. Gắp nắm bún hay vốc bánh đa bỏ vào bát nhỏ, chan thứ nước dùng sánh đặc gạch cua khi ấy rồi đưa lên miệng nhè nhẹ thổi, xì xụp húp, đủ thỏa mãn cái bụng thèm đủ thứ giữa ngày mưa, khỏa lấp nỗi nhớ đồ ăn quê nhà của cư dân đến từ xứ Bắc.

Phần riêu cua được thành miếng, đựng trong chén nhỏ. Ảnh: Phong Kiều
Phần riêu cua được đóng thành miếng, đựng trong chén nhỏ. Ảnh: Phong Kiều

Tính cả nước uống, mỗi người thường tốn 150.000-200.000 đồng cho một bữa lẩu riêu cua ở quán nhà chị My – mức giá bình dân so với mặt bằng chung của thị thành đắt đỏ như TP HCM. Chủ quán cho rằng rau củ, thực phẩm ở đâu cũng như nhau, nếu có chênh lệch giá thì cũng không nhiều. Vậy nên, người bán hàng như chị chẳng có lý gì đội giá lên cao cho từng nồi lẩu hay tô phở, bát bún.

Lớn lên trong gia đình kinh doanh quán ăn ở khu phố trung tâm Hà Nội, Huyền My mang theo công thức món ngon gia truyền khi vào Nam sinh sống. Mở hàng đã ba năm, chị chủ yếu tự mình chăm lo mọi công đoạn. Buổi tối, chị đều đặn vừa buôn bán, phục vụ, vừa làm hàng cho ngày hôm sau.

Quán bán ngày hai cữ, 7h sáng đến 2h chiều và 5h chiều đến gần 11h đêm. Chị My cho biết mỗi ngày quán thu về xấp xỉ 6 triệu đồng. Khách ghé quán đa dạng gốc gác lẫn sở thích. Người miền Nam thường chọn phở gà. Người gốc Bắc mê nhất lẩu riêu. Riêng với bún riêu, khách vùng nào cũng chuộng.

Trong không gian nhỏ nhắn của quán ăn, chiếc bàn đặt trên ban công tầng hai được nhiều người ưng ý. Gần về cuối năm, trời mát và hay mưa. Ngồi góc nhỏ xinh này thưởng gió, ăn lẩu càng làm sự thưởng thức mỹ thực thêm ý vị.

Theo Phong Kiều (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link