Mọc răng, đau tai, căng thẳng hay tiếp xúc với khói thuốc thụ động là một số nguyên nhân gây ra tình trạng nghiến răng ở trẻ nhỏ.
Nghiến răng xảy ra phổ biến ở thời thơ ấu, có thể bắt đầu ngay khi răng trẻ mọc. Ảnh: Northwellhealth.
Nghiến răng là tình trạng nghiến răng lặp đi lặp lại. Có hai loại chứng nghiến răng khác nhau: chứng nghiến răng khi ngủ và chứng nghiến răng khi thức dậy. Tình trạng này được cho là phổ biến hơn trong thời thơ ấu và có thể bắt đầu ngay khi răng của trẻ mọc.
Bản thân bệnh nghiến răng không được coi là nguy hiểm, nhưng việc nghiến liên tục có thể gây đau hàm và làm hỏng răng theo thời gian. Điều này cũng gây khó chịu cho các thành viên khác trong gia đình vì âm thanh nghiến răng. Vì vậy, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân và rủi ro của chứng nghiến răng khi ngủ ở trẻ để có biện pháp ngăn chặn thói quen không tốt này.
Điều gì khiến trẻ nghiến răng?
Theo Kid’s Health, trẻ có thể nghiến răng vì một số lý do, bao gồm:
- Răng không thẳng hàng.
- Đau, chẳng hạn đau tai hoặc mọc răng.
- Căng thẳng do lo lắng về bài kiểm tra hoặc thay đổi thói quen. Ngay cả việc tranh cãi với cha mẹ và anh chị em cũng có thể gây căng thẳng đủ để khiến trẻ nghiến răng hoặc nghiến chặt hàm.
- Lý do y tế, như tăng động, bại não hoặc một số loại thuốc.
- Khói thuốc thụ động: Theo Hiệp hội Giấc ngủ Mỹ, ngay cả tiếp xúc với khói thuốc thụ động ở mức độ vừa phải cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh nghiến răng ở trẻ em.
Ảnh hưởng của nghiến răng với trẻ
Nhiều khi chứng nghiến răng không được chú ý và không gây ra vấn đề gì. Thông thường, nó gây khó chịu hơn cho các thành viên khác trong gia đình vì âm thanh nghiến răng. Nhưng đôi khi nó có thể gây ra:
- Nhức đầu.
- Mòn men răng hoặc sứt mẻ răng.
- Răng nhạy cảm, gãy, tụt nướu và các vấn đề khác ở răng và hàm.
- Rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ).
- Đau mặt, tai hoặc hàm.
- Rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo lắng.
- Các vấn đề về giấc ngủ.
Nghiến răng có thể khiến trẻ gặp các vấn đề về hàm, nướu, răng… Ảnh: Painresource.
Cha mẹ có thể làm gì?
Điều trị nghiến răng tập trung vào việc ngăn ngừa tổn thương răng và giảm tác dụng phụ như đau và nhức đầu. Cải thiện chất lượng giấc ngủ và giải quyết các nguồn gây căng thẳng cũng có thể giúp kiểm soát chứng nghiến răng dễ dàng hơn.
Thiết bị bảo vệ ban đêm
Nếu nghiến răng khiến mặt và hàm của trẻ bị đau hoặc làm hỏng răng, các nha sĩ có thể kê một biện pháp bảo vệ đặc biệt vào ban đêm. Miếng bảo vệ ban đêm tương tự miếng ngậm mà các vận động viên đeo để bảo vệ răng của họ.
Vệ sinh giấc ngủ
Nghiến răng khi ngủ có liên quan mật thiết đến chất lượng giấc ngủ. Bạn có thể cải thiện giấc ngủ của con mình bằng cách đảm bảo phòng của con tối và yên tĩnh, hạn chế thời gian trẻ sử dụng thiết bị điện tử và có chế độ ăn bổ dưỡng ít đường bổ sung. Một số ví dụ về các hoạt động nhẹ nhàng trước khi đi ngủ là:
- Ăn bữa ăn nhẹ bổ dưỡng trước khi đi ngủ.
- Đánh răng.
- Tắm nước ấm.
- Âu yếm các thành viên trong gia đình.
- Đọc truyện.
- Ca hát hoặc nghe nhạc nhẹ.
Giảm triệu chứng
Thư giãn các cơ mặt của trẻ vào ban ngày đôi khi có thể làm giảm chứng nghiến răng vào ban đêm. Để làm dịu hàm và răng của trẻ bị đau, cha mẹ có thể chườm lạnh hoặc nóng, khuyến khích con uống nước, tránh thức ăn cứng và nhai kẹo cao su. Hỏi bác sĩ về các bài tập kéo giãn cơ và kỹ thuật xoa bóp mặt.
Giảm căng thẳng
Đối với chứng nghiến răng do căng thẳng, hãy hỏi xem điều gì khiến con bạn khó chịu và tìm cách giúp đỡ. Ví dụ, một đứa trẻ lo lắng về việc xa nhà trong chuyến đi cắm trại đầu tiên có thể cần được trấn an rằng bố hoặc mẹ sẽ ở bên cạnh nếu cần. Nếu vấn đề phức tạp hơn, chẳng hạn chuyển đến một thị trấn mới, hãy nói chuyện với con bạn về vấn đề đó và cố gắng xoa dịu mọi nỗi sợ hãi.
Nếu bạn lo lắng, hãy nói chuyện với bác sĩ. Trong một số ít trường hợp, thuốc giảm căng thẳng cơ bản không đủ để ngăn chặn chứng nghiến răng. Nếu con bạn không thể ngủ hoặc hành động khác với bình thường, hãy đưa con đi khám để tìm ra nguyên nhân gây căng thẳng và lên kế hoạch trợ giúp.
Hầu hết trẻ em hết nghiến răng khi mất răng sữa. Trong khi chờ đợi, khám răng định kỳ có thể giúp phát hiện và điều trị chứng nghiến răng.
Theo Phương Mai (zing) – Ảnh: T.H