Bạn có thể đau thắt lưng vì nhiều nguyên nhân nhưng nếu đau khi hắt hơi, bạn nên đi khám.

Đau thắt lưng là tình trạng thường gặp trong cuộc sống nhưng không nên chủ quan. Ảnh: Pinterest
Đau thắt lưng là tình trạng thường gặp trong cuộc sống nhưng không nên chủ quan. Ảnh: Pinterest

Người đàn ông tên Tấn, ngoài 40 tuổi, thỉnh thoảng bị cảm lạnh và hắt hơi kèm theo đau lưng dữ dội. Ban đầu, anh không để ý, nhưng khi bệnh nặng hơn, anh đi chụp X-quang, phát hiện xương cột sống ở phần thắt lưng bị khoét rỗng. Kiểm tra sâu hơn, anh mới biết mình không bị loãng xương mà do mắc ung thư thận giai đoạn cuối.

Đau thắt lưng khi hắt hơi là tín hiệu bệnh ung thư ở giai đoạn muộn

Fan Bifa, trưởng khoa thuộc Bệnh viện Hữu nghị Trung – Nhật ở Trung Quốc, cho biết hắt hơi hiếm khi gây đau lưng. Tuy nhiên, trong trường hợp của Tấn, anh bị đau lưng khi hắt hơi do áp lực ổ bụng tăng lên, gây đau dữ dội vì khí chèn ép đốt sống đã bị ung thư di căn vào xương, hay còn gọi là gãy xương bệnh lý.

Cụ thể hơn, xương của người bình thường rất đặc và đàn hồi, nâng đỡ cột sống. Nhưng bệnh nhân ung thư sẽ bị đau dữ dội do di căn xương, tập trung ở vùng cột sống thắt lưng. Ung thư di căn sẽ làm giảm mật độ xương và phá hủy xương đặc ban đầu thành rỗng.

So với đau thắt lưng thông thường, đau do ung thư di căn vào xương thường có 5 đặc điểm:

1. Cơn đau kéo dài và dai dẳng hơn

2. Tiếp tục trầm trọng hơn, đặc biệt khi ngủ vào ban đêm

3. Không thấy nhẹ nhõm sau khi tập thể dục

4. Kết quả hình ảnh chụp X-quang ban đầu không rõ ràng

5. Có tiền sử ung thư gia đình hoặc tiền sử ung thư cá nhân

Tránh 8 thói quen sau để không đau thắt lưng

Lan Yue, giám đốc Khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện Nhân dân số 1 Quảng Châu, cho biết hầu hết mọi người đều từng bị đau thắt lưng. Tuy điều này phổ biến, bạn không nên chủ quan vì nó sẽ gây nhiều bất tiện trong cuộc sống, có thể là dấu hiệu ung thư như đã đề cập ở trên.

Tian Hongtao, bác sĩ trưởng Khoa Chỉnh hình của Bệnh viện Liên minh trực thuộc Đại học Y khoa Tongji, Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong, Trung Quốc, cho biết bạn nên khắc phục kịp thời 8 thói quen sau để tránh đau thắt lưng.

1. Đứng lâu: Do thói quen hoặc công việc khiến bạn đứng lâu cũng sẽ khiến cột sống, thắt lưng, khớp háng, khớp gối chịu áp lực lớn hơn, từ đó gây ra các bệnh về xương khớp.

2. Cúi đầu nghịch điện thoại lâu: Khi bạn cúi đầu sử dụng điện thoại di động, cột sống cổ chịu sức nặng của đầu, đồng thời vai và cổ bị căng quá mức cũng gây áp lực lên thắt lưng lẫn xương sống.

3. Duỗi thẳng đầu gối và cúi người khi nâng vật nặng: Đau thắt lưng còn được gọi là bong gân thắt lưng cấp tính, khi đầu gối duỗi thẳng và cong thắt lưng để nâng vật nặng, áp lực không thể chia sẻ cho các cơ xung quanh hông, khớp gối.

4. Thường xuyên nằm trên ghế sofa: Dựa cả người hoặc nửa người trên ghế sofa, dựa lưng vào lưng ghế sofa, đầu ngả ra sau sẽ gây đau cột sống lưng. Vùng này bị chèn ép và thiếu lực nâng đỡ khiến eo bị đau, mỏi.

5. Ít vận động: Khi ngồi lâu, toàn bộ lực trên cơ thể dồn lên cột sống thắt lưng và các cơ, dây chằng xung quanh, đây là lý do dân văn phòng thường cảm thấy đau thắt lưng, mỏi lưng.

6. Bắt chéo chân: Nhiều người thích ngồi bắt chéo chân nhưng tư thế này dễ làm đau thắt lưng. Khi bắt chéo chân, xương chậu bị nghiêng, các cơ ở một bên cơ thể bị căng cứng, gây đau thắt lưng, thoát vị đĩa đệm thắt lưng.

7. Bật dậy: Khi thức dậy buổi sáng, bạn nhảy khỏi giường ngay lập tức có thể khiến eo bị đau.

8. Thích ngồi ghế đẩu thấp: Cơ thể chúi về phía trước, trọng lượng của phần thân trên sẽ dồn lên thắt lưng. Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài sẽ làm tăng gánh nặng cho cột sống thắt lưng. Các cơ vùng thắt lưng bị kéo căng quá mức có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Các thói quen nên có để bảo vệ lưng

1. Giữ tư thế ngồi đúng

2. Tránh ngồi, đứng, nằm lâu, phải kết hợp làm việc và nghỉ ngơi trong công việc

3. Tập thể dục vừa phải, tránh tác động quá nhiều vào vùng thắt lưng

4. Người bị đau lưng có thể chọn đệm có độ cứng vừa phải, tránh đệm quá mềm sẽ gây gánh nặng cho eo.

Đau thắt lưng có nhiều nguyên nhân, nếu ở giới hạn bình thường thì không cần quá lo lắng. Nếu nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám tầm soát các bệnh lý khác.

Theo Hằng Trần (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link