Nhiều loại hoa mang vẻ đẹp rực rỡ, cuốn hút nhưng lại ẩn chứa độc tố có thể gây chết người.
Cả lá và hoa cẩm tú cầu đều chứa độc tố. Ảnh: Vietnamnet.
Những loại hoa hay gặp có thể gây độc con người cần tránh:
Hoa loa kèn (kèn của thiên thần, hơi thở của quỷ): Những bông hoa loa kèn màu trắng hoặc vàng, trắng pha hồng, đỏ này dường như vô hại nhưng đây lại là loài cây có độc tố.
Xuất xứ từ Colombia, loài cây này được gọi với tên gọi “hơi thở của quỷ”. Chỉ cần ngửi hoa, nạn nhân sẽ lập tức rơi vào tình trạng vô thức, không kiểm soát được hành vi, nói năng lảm nhảm.
Chất chiết xuất từ hoa này được cho là phương tiện để tội phạm thôi miên, đầu độc nạn nhân lừa lấy tài sản hoặc hãm hiếp phụ nữ mà nạn nhân không hề hay biết.
Loài hoa loa kèn này có nhiều độc tố ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Ảnh: Vietnmanet.
Hoa tử đằng (đậu tía): Đây là loài hoa họ đậu, dây leo, hoa thành từng chùm màu tím rất đẹp, được trồng làm cảnh phổ biến ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Hoa tử đằng vừa đẹp, vừa có mùi thơm. Tuy nhiên, hạt hoa tử đằng rất độc. Nếu ăn phải sẽ bị trúng độc, nôn ói, chuột rút và tiêu chảy.
Hoa cẩm tú cầu (hoa đĩa): Những đóa hoa hình cầu màu hồng, trắng, xanh rất đẹp ta vẫn thấy được trồng làm cảnh thật ra không phải là loài cây hiền lành. Cả lá và hoa cẩm tú cầu đều có chứa độc tố. Trong lịch sử, nữ hoàng Cleopatra đã từng ép người hầu tự tử bằng loài hoa này.
Do đó, sơ ý ăn phải độc tố này có thể lập tức bị ngứa ngáy, nôn ói, đổ mồ hôi và đau bụng dữ dội. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới hôn mê, co giật, rối loạn tuần hoàn máu.
Hoa rum: Lá và củ của hoa rum có chứa nhiều chất độc đường ruột calcium oxalate. Nếu nhầm lẫn hoặc sơ ý ăn phải sẽ bị ngộ độc, triệu chứng thường thấy là ói mửa, bỏng miệng, tê lưỡi, sưng bề mặt niêm mạc.
Hoa chùm pháo (mao địa hoàng): Một loài hoa đẹp với những chùm hoa chĩa thẳng lên trời như một ngọn tháp. Loài hoa này cũng là nguyên liệu để bào chế thuốc chữa bệnh tim và một số bệnh thường gặp khác như thiếu máu và táo bón. Nhưng nếu ăn tươi, chúng có thể gây rối loạn nhịp tim và đau bụng dữ dội.
Muồng hoàng yến (hoa bò cạp vàng, hoa osaka): Đây là loài cây hoa cảnh họ đậu, muồng hoàng yến là cây thân gỗ, tán tròn. Hoa nở vàng thành từng chùm rực rỡ từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Chùm hoa dài, rủ xuống, dài 20-40 cm, cụm hoa lớn. Trái muồng hoàng yến dài, trong có hạt hình trái xoan. Cả hoa, lá, quả và hạt muồng hoàng yến đều có chất độc, nếu ăn phải sẽ gây ngộ độc.
Hoa phi yến có độc tố diterpene alkaloid. Ảnh: Naturallist.
Hoa phi yến: Cây hoa này từ thời các vua Pharaoh, lúc đó chúng được xem là một loại cây quan trọng vì người thời đó dùng nó để làm thuốc trừ sâu.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cảnh báo tất cả loài phi yến (Delphimum Ajacis, Larkspur) đều có độc tố diterpene alkaloid. Chất này ức chế thần kinh, gây ngừng hoạt động các cơ, bao gồm cả tim, do đó có thể gây tử vong nếu tiêu thụ lượng đủ lớn.
Cây phi yến độc nhất trong thời kỳ đầu sinh trưởng, giảm dần khi trưởng thành. Độc tố tập trung nhiều nhất trong hoa, hạt và quả. Hai miligam hạt cây này đủ để giết chết một người trưởng thành.
Ở Bắc Mỹ, hoa phi yến là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại cho gia súc trên các dãy phía tây ở Hoa Kỳ, đặc biệt là trên các vùng rừng núi và đồi núi. Độc tính của các loài hoa là từ các ancaloit norditerpenoid khác nhau.
Để phòng ngừa mua phải hoa độc, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng, người tiêu dùng cần thận trọng khi mua hoa và tra cứu thông tin kỹ càng. Người bán hàng cũng cần nắm kỹ đặc tính, nguồn gốc mặt hàng mình kinh doanh và có biện pháp cảnh báo khách.
Theo Zing – Ảnh: T.H