Những thứ như muối, đường và một số loại chất béo có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu bạn ăn quá thường xuyên.
Theo Eat This Not That, một số món ăn phổ biến như bánh mì nướng, kem cà phê, khoai tây chiên chứa đầy đường bổ sung, natri, chất béo bão hoà và chất béo chuyển hóa.
Thậm chí nhiều thực phẩm được khẳng định là tốt cho sức khỏe vẫn tiềm ẩn những thành phần nguy hại.
Kem cà phê
Vấn đề với một số loại kem cà phê không lành mạnh là chúng có quá nhiều kem. Kem cà phê cũng có thể có các chất phụ gia tổng hợp như mono và diglyceride.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) nói monoglyceride an toàn với số lượng nhỏ nhưng nhiều monoglyceride có chứa chất béo chuyển hóa không tốt cho sức khỏe.
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia, chất béo chuyển hóa có khả năng làm tăng mức cholesterol, cũng như nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường.
Bánh mì bột trắng
Nếu nhãn thành phần trên ổ bánh mì đề cập đến bột tẩy trắng, bạn rất có thể đang nhai một số hóa chất không mong muốn.
Một số nhà sản xuất sử dụng thành phần azodicarbonamide, một chất điều hòa bột nhựa được sử dụng để làm cho bột bánh mì mịn hơn. Trung tâm Khoa học vì lợi ích công cộng cho biết bạn nên tránh nó. Bằng chứng cho thấy azodicarbonamide phân hủy thành một hóa chất gọi là urethane trong quá trình nướng và hóa chất này được coi là chất gây ung thư.
Nước ép trái cây thêm đường
Không phải tất cả loại nước ép trái cây đều được tạo ra như nhau. Trong khi những thứ như nước ép lựu 100% cung cấp chất chống oxy hóa và vitamin, cũng như đường tự nhiên, một số thương hiệu nước trái cây chỉ bán các sản phẩm có nhiều đường hơn trái cây thực tế.
Hầu hết vị ngọt trong nước trái cây đến từ fructose, loại đường liên quan đến sự phát triển của mô mỡ nội tạng ở những người thừa cân, theo một nghiên cứu trên tạp chí Điều tra lâm sàng.
Soda ăn kiêng
Tất cả loại soda ăn kiêng phổ biến đều chứa aspartame, một chất làm ngọt nhân tạo ban đầu được phát triển để hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên, gần đây, chúng bị phát hiện có tác dụng ngược lại như tăng mức glucose, làm quá tải gan và khiến các chất dư thừa chuyển thành chất béo, theo một nghiên cứu trong Sinh lý học ứng dụng, Dinh dưỡng và Chuyển hóa.
Không chỉ vậy, nghiên cứu từ PLOS Medicine cho thấy aspartame liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư.
Soda ăn kiêng phổ biến đều chứa aspartame, chất làm ngọt nhân tạo có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư. Ảnh: Shutterstock.
Thực phẩm chiên
Bên cạnh lượng chất béo và calo rất cao, vấn đề chính với những thực phẩm chiên rán này là chúng chứa hàm lượng cao các sản phẩm glycat hóa bền vững gây viêm.
Các hợp chất này hình thành khi các sản phẩm có nguồn gốc động vật được nấu ở nhiệt độ cao trong một thời gian dài. Theo một đánh giá năm 2015 được công bố trên tạp chí Advances in Nutrition, các chuyên gia kết luận khi chúng ta tiếp xúc với các sản phẩm glycat hóa bền vững liên tục theo thời gian, nó có thể dẫn đến viêm và stress oxy hóa trong cơ thể, sau đó góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Thịt xông khói và xúc xích
Hai loại thực phẩm trên thường được làm từ thịt đỏ có nhiều chất béo bão hòa. Thịt đỏ chế biến thường chứa hàm lượng natri cao, cũng như các chất phụ gia như nitrat và nitrit.
Nghiên cứu đã chỉ ra nitrit có thể dẫn đến một số bệnh ung thư và các chất phụ gia này biến thành nitrosamine gây ung thư khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, theo Meat Science.
Quá nhiều đường trắng
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, người trưởng thành ở Mỹ tiêu thụ khoảng 77 gram đường/ngày – cao hơn 20 gram so với lượng khuyến nghị của FDA là 50 gram mỗi ngày.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo người Mỹ nên ăn ít hơn mức đường trên. Người Mỹ tiêu thụ nhiều đường trắng tinh chế có liên quan đến mọi thứ từ tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim và béo phì.
Thịt cháy
Khi nướng thịt, amin thơm dị vòng hoặc HCA, phát triển khi creatine, đường và axit amin trong thịt phản ứng với nhiệt độ cao của vỉ nướng. Một số nghiên cứu được công bố đã liên kết amin thơm dị vòng với việc tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư tuyến tuỵ.
Các loại thực phẩm bị cháy có nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ảnh: Shutterstock.
Thức ăn nhanh
Thức ăn nhanh rất tiện lợi và ngon, nhưng nó rất giàu natri, chất béo bão hòa và chất béo tổng hợp. Đây là lý do thức ăn nhanh được coi là thực phẩm không lành mạnh nhất để ăn vì chúng liên quan đến bệnh tim, tiểu đường và béo phì.
Nước tăng lực
Nước tăng lực là các loại cocktail hóa học đắt tiền với hàm lượng caffeine mạnh và rất nhiều đường.
Một nghiên cứu của Đại học Maryland cho thấy nước tăng lực ăn mòn răng của bạn nhiều hơn 11% so với soda thông thường.
Phát hiện đáng lo ngại khác đến từ một nghiên cứu điển hình của công nhân xây dựng 50 tuổi là uống quá nhiều nước tăng lực có thể phá hủy gan.
Báo cáo được công bố trên BMJ Case Reports vào năm 2016 cho thấy người đàn ông bị viêm gan cấp tính sau khi tiêu thụ 4-5 loại nước tăng lực mỗi ngày trong suốt ba tuần.
Theo Nghi Phương (zing) – Ảnh: T.H