Cúi người đột ngột để nâng đồ vật, ngồi một chỗ quá lâu, xách vật nặng bằng một tay… là những hành động dễ ảnh hưởng đến đĩa đệm thắt lưng.
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng đề cập đến sự dịch chuyển cục bộ một số mô đĩa đệm thắt lưng ra khỏi mép bình thường của đĩa đệm. Khi mô đĩa đệm này nhô ra kéo theo các biểu hiện lâm sàng như yếu, tê bì, đau và rối loạn chức năng ở vùng thần kinh tương ứng gọi là thoát vị đĩa đệm thắt lưng.
Những hành động thường ngày dưới đây có thể gây thoát vị đĩa đệm thắt lưng.
1. Cúi người đột ngột để di chuyển đồ vật
Việc cúi người đột ngột để mang vác đồ vật sẽ khiến các mô mềm ở vùng thắt lưng ngay lập tức chịu áp lực lớn, dễ khiến đĩa đệm bị rách và lồi ra, dễ gây thoát vị. Để tránh tình trạng này, nên tránh nâng vật nặng, đặc biệt là cúi xuống để nâng chúng. Tư thế khiêng vật nặng đúng là quỳ trên mặt đất, áp sát vật nặng vào người rồi dùng sức tay chân phối hợp để nâng lên.
2. Ngồi hoặc đứng lâu, bắt chéo chân hay ngồi cong lưng
Giữ nguyên một tư thế làm việc trong thời gian dài sẽ gây căng, mỏi cơ thắt lưng, lâu ngày khiến đĩa đệm bị chèn ép, làm tăng nguy cơ thoát vị.
Trong khi đó, bắt chéo chân (chân này lên chân kia) trong thời gian dài cũng khiến xương chậu bị nghiêng, cơ thắt lưng và các đĩa đệm sẽ chịu áp lực không đồng đều, về lâu dài làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, ngồi lâu trong tư thế cong lưng cũng làm tăng áp lực lên đĩa đệm, làm gia tăng nguy cơ thoái hóa đĩa đệm thắt lưng.
Để giảm tác động lên thắt lưng, nên duy trì tư thế đúng: Đầu, cổ và eo trên một đường thẳng, vai rũ xuống tự nhiên, cổ tay ngang với mặt bàn, đầu gối cong tự nhiên, bàn chân phải cong tự nhiên trên mặt đất.
Nếu ngồi trên ghế có tựa lưng, bạn nên giữ lưng dưới càng sát lưng ghế càng tốt để duy trì đường cong bình thường của cột sống.
Để giảm áp lực lên cơ, nên đặt đệm đỡ thắt lưng ở chỗ ngồi, những người ngồi lâu nên đứng dậy và di chuyển khoảng 15 phút mỗi giờ.
3. Mang vật nặng bằng một tay
Việc mang vác vật nặng bằng một tay sẽ khiến cơ thể bị nghiêng và mất thăng bằng, các đĩa đệm bị căng không đều, các cơ hoạt động không hài hòa sẽ gây tổn thương lớn cho các đĩa đệm.
Cách đúng là tránh mang vật nặng bằng một tay, thay vào đó cố gắng mang vật có cùng trọng lượng bằng cả hai tay để giữ thăng bằng cho cơ thể.
4. Tư thế ngủ không đúng
Hằng ngày khi nằm ngủ, nếu cổ và thắt lưng không được nâng đỡ trong thời gian dài, các cơ sẽ ở trạng thái căng thẳng, đồng thời cũng làm tăng thêm vấn đề về đĩa đệm.
Để tránh hiện tượng này, bạn nên chọn nệm cứng. Khi nằm nghỉ ngơi, có thể kê một chiếc gối mềm dưới đầu gối để đầu gối và hông hơi cong, từ đó hỗ trợ giảm áp lực lên thắt lưng và lưng, thư giãn các cơ tương ứng, giảm căng thẳng, tránh nguy cơ thoát vị đĩa đệm.
5. Mang giày cao gót
Giày cao gót đẩy cơ thể bạn về phía trước, làm biến dạng xương chậu và cột sống, đồng thời gây thêm áp lực lên lưng dưới. Đi giày cao gót trong thời gian dài không tốt cho sức khỏe cột sống, thắt lưng.
Hãy đi giày đế bằng. Nếu phải đi giày cao gót, bạn nên dồn trọng lượng cơ thể vào gót chân chứ không phải lòng bàn chân.
6. Chơi các môn thể thao hoặc bài tập đòi hỏi xoay người
Các môn thể thao như đánh gôn và bóng bàn đòi hỏi phải vặn mạnh thắt lưng có thể gây ra lực nén và tổn thương xoắn cho các đĩa đệm. Đây là những hành động có nguy cơ cao gây thoát vị.
Do đó, khi thực hiện những động tác này, cần đặc biệt thận trọng. Nếu vặn người quá mạnh, vòng eo của bạn sẽ dễ bị tổn thương, dẫn đến căng cơ thắt lưng, thoát vị đĩa đệm và các bệnh khác. Vì vậy, dù bạn đang tập thể dục hay các hoạt động hàng ngày, hãy chú ý bảo vệ vòng eo của mình và tránh dùng lực hoặc vặn người quá mức.
7. Tư thế chạy sai
Tư thế chạy với phần thân trên nghiêng về phía trước và áp lực sốc sẽ làm tăng gánh nặng, gây nguy hiểm lên đĩa đệm, có thể dẫn đến thoát vị. Do đó, cần chú ý đến tư thế khi chạy bộ bằng cách giữ thẳng lưng và chọn giày có đệm khí để giảm tác động sốc lên cột sống thắt lưng.
Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H