Đồ uống ảnh hưởng rất lớn đến quá trình trao đổi chất cũng như việc giảm hoặc tăng cân.
Thói quen uống nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất. Ảnh: Yahoo.
Theo Eat This Not That, thói quen uống nước đóng vai trò quan trọng trong việc tăng hoặc giảm cân và cũng có thể gián tiếp tác động tiêu cực đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
Quá trình trao đổi chất diễn ra khi cơ thể chuyển đổi thức ăn, đồ uống thành năng lượng để cung cấp cho hoạt động và các chức năng cơ thể.
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Science, ở trẻ nhỏ, cơ, xương và các mô khác đang phát triển nhanh chóng, quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh. Tốc độ này đạt đỉnh vào khoảng 20 tuổi. Sau đó, tốc độ trao đổi chất giảm xuống.
Ở tuổi 60, quá trình trao đổi chất thường chậm lại. Người già thường ít hoạt động hơn và khối lượng cơ bắp mất đi một cách tự nhiên, trừ khi chúng ta cố gắng duy trì thông qua rèn luyện sức đề kháng. Cơ thể có ít cơ bắp, quá trình trao đổi chất sẽ chậm lại và đốt cháy calo với tốc độ thấp hơn.
Vì vậy, cách để tăng tốc độ trao đổi chất là để cơ bắp đốt cháy nhiều calo hơn. Chuyên gia dinh dưỡng Amy Goodson cho biết: “Không một loại thực phẩm hay đồ uống nào làm tăng tốc độ trao đổi chất. Một số thứ có thể gián tiếp góp phần vào quá trình giảm cân nhưng không đẩy nhanh tốc độ. Trong khi đó, một số đồ uống và thói quen uống tác động xấu đến quá trình trao đổi chất”.
Không uống đồ uống giàu protein
Để phát triển cơ bắp, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, cơ thể cần có đủ protein. Chúng ta có thể bổ sung protein thông qua loại đồ uống phù hợp.
Chuyên gia dinh dưỡng Amy Goodson nói: “Đồ uống có protein như đồ uống làm từ sữa bò, sữa chua Hy Lạp hoặc bột protein giúp duy trì quá trình trao đổi chất ở mức cao đồng thời hạn chế sự thèm ăn. Protein giúp cơ thể cảm thấy no nhanh hơn và no lâu hơn vì cần nhiều năng lượng, thời gian để phân hủy, tiêu hóa tất cả chất dinh dưỡng đa lượng”.
Uống đồ uống có protein giúp duy trì quá trình trao đổi chất cũng như giảm cảm giác thèm ăn. Ảnh: Medical News Today.
Uống quá nhiều đồ uống có đường
Để quá trình trao đổi chất diễn ra bình thường và các cơ quan trong cơ thể hoạt động tối ưu, bạn phải hấp thụ đủ nước.
Soda và nước ép trái cây có thể là thức uống yêu thích của nhiều người nhưng chúng hầu hết đều chứa nhiều đường bổ sung làm tăng lượng đường trong máu và lượng calo dẫn đến tăng cân.
Đồ uống bù nước thể thao cũng thuộc loại đó. Trừ khi đang tập thể dục nhịp điệu cường độ cao hoặc chạy đường dài, bạn có thể không đốt cháy hết lượng calo hấp thụ.
Đó là lý do nước là thức uống được lựa chọn để giảm cân và hỗ trợ quá trình trao đổi chất lành mạnh. Ngay cả tình trạng mất nước nhẹ cũng có thể làm cạn kiệt năng lượng, gây mệt mỏi.
Nhu cầu uống nước của mỗi người có thể khác nhau nhưng Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ xác định lượng nước lý tưởng cho nam giới là 15,5 cốc/ngày trong khi con số này đối với nữ giới là 11,5.
“Mọi người nên theo dõi lượng nước uống mỗi ngày để nó đủ lành mạnh không”, Florence Comite, bác sĩ nội tiết được đào tạo tại Viện Y tế Quốc gia, cho biết.
Uống nhiều rượu
Theo hướng dẫn chế độ ăn uống 2020-2025 cho người Mỹ, mức tiêu thụ rượu vừa phải được định nghĩa là một ly/ngày đối với phụ nữ và 2 ly/ngày đối với nam giới.
Chuyên gia dinh dưỡng Toby Amidor, thành viên hội đồng đánh giá y khoa của Eat This Not That, cho biết: “Uống nhiều hơn mức đó dẫn đến quá trình trao đổi chất mất cân bằng. Hơn nữa, bia, rượu vang và đặc biệt các loại cocktail có đường được làm từ nước ép trái cây hoặc soda, có thể bổ sung lượng calo rỗng đáng kể”.
Uống quá nhiều rượu làm mất cân bằng quá trình trao đổi chất. Ảnh: The Good Stuff.
Uống rượu vào đêm muộn
Uống rượu vào đêm muộn làm gián đoạn giấc ngủ, dẫn đến rối loạn quá trình trao đổi chất.
Chuyên gia dinh dưỡng Toby Amidor nói: “Một số người nghĩ rượu giúp mình ngủ ngon. Thực tế lại ngược lại. Đồ uống này phá vỡ nhịp điệu giấc ngủ bình thường. Nếu uống rượu, bạn nên uống ít nhất 2 giờ hoặc lâu hơn trước khi đi ngủ, đồng thời uống nhiều nước”.
Theo Hoàng Anh (zing) – Ảnh: T.H