Nhiều người chọn dịch vụ tập với huấn luyện viên trực tuyến để tiết kiệm chi phí, giải quyết vấn đề địa lý, song không phải ai cũng phù hợp và có thể theo đến cuối cùng.

Online coaching (huấn luyện viên trực tuyến) là dịch vụ được nhiều huấn luyện viên hay các trung tâm thể hình quảng cáo rộng rãi trong những năm gần đây. Huấn luyện viên và học viên có thể trao đổi, kết nối với nhau qua mạng xã hội. Lịch tập và thực đơn hàng ngày cũng được huấn luyện viên chuẩn bị sẵn tùy vào từng mục tiêu như giảm mỡ, tăng cơ, tăng sức mạnh…

Giá rẻ, giải quyết vấn đề địa lý

Yêu thích bộ môn thể hình từ lâu, thường xuyên theo dõi các huấn luyện viên, vận động viên qua mạng xã hội để học hỏi kinh nghiệm tập, nhưng Nguyễn Ngọc Long (21 tuổi, Hà Nội) vẫn không cải thiện được hình thể đáng kể.

Khi thấy huấn luyện viên bản thân rất yêu thích đăng tuyển học viên, Ngọc Long đã chủ động nhắn tin để hỏi chi phí tập luyện trực tiếp nhưng mức giá khá cao với hơn một triệu đồng/buổi. Chàng trai này quyết định chuyển sang dịch vụ có mức chi phí rẻ hơn là online coaching.

“Vấn đề tôi gặp phải là không xác định được mục tiêu và sắp xếp bài tập như thế nào cho hợp lý. Dịch vụ online coaching giúp tôi giải quyết được điều này. Tôi đăng ký gói tập online với giá hơn 7 triệu đồng cho 3 tháng. Vì đã biết các kỹ thuật tập cơ bản, tôi không gặp nhiều khó khăn trong quá trình tập”, Ngọc Long cho biết.

Ngọc Long đăng ký gói tập online với giá hơn 7 triệu đồng cho 3 tháng. Ảnh:NVCC.

Tuy nhiên, Long cũng cho rằng dịch vụ này chỉ phù hợp với những người đã có kinh nghiệm tập luyện từ vài tháng đến một năm. Những người chưa từng tập với huấn luyện viên trực tiếp hoặc không biết các kỹ thuật, chuyển động tập cơ bản không nên lựa chọn. Việc không có kỹ thuật rất dễ gây chấn thương, kém hiệu quả.

Trong khi đó, Lê Thanh Tùng (19 tuổi, Vĩnh Phúc) lựa chọn tập online coaching vì trở ngại địa lý. Huấn luyện viên Tùng muốn được hướng dẫn ở Hà Nội, còn anh sinh sống và học tập tại Vĩnh Phúc.

“Các phòng gym gần nhà cũng có huấn luyện viên trực tiếp nhưng tôi không tin tưởng về kiến thức của họ. Tôi chọn một huấn luyện viên đã theo dõi từ lâu và có nhiều học viên cải thiện thể hình tốt trước đó để theo học”, Thanh Tùng nói.

Thực đơn ăn gì, tập ra sao, chàng trai 19 tuổi này đều được huấn luyện viên thiết kế sẵn và gửi trước khi đến phòng tập. Tuy nhiên, Tùng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do kỹ thuật chưa tốt, dẫn đến tập sai. Ngoài ra, vì không có huấn luyện viên thúc giục trực tiếp, anh tự ý giảm thời gian và số lượng bài tập so với lịch của huấn luyện viên.

Đồng quan điểm, Ngọc Long cũng từng gặp tình trạng một số buổi đến phòng tập nhưng cảm thấy mệt hay lười biếng sẽ tự ý nghỉ hoặc “ăn bớt” bài tập.

Theo huấn luyện viên thể hình Lương Quang Huy (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chi phí dịch vụ online coaching chỉ bằng khoảng 10% so với huấn luyện trực tiếp, thậm chí còn rẻ hơn nếu họ hướng tới số lượng lớn học viên.

“Hình thức này cũng giải quyết vấn đề về địa lý hiệu quả. Đặc biệt, nhiều người có tâm lý ngại đám đông hoặc đơn giản họ thích tập tại phòng phù hợp với sở thích hay phòng tập cấm huấn luyện viên bên ngoài vào dạy”, Quang Huy cho hay.

Thanh Tùng xem giáo án được huấn luyện viên gửi trước khi bắt đầu tập luyện. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, ưu điểm là thời gian tập linh hoạt. Phần lớn các hình thức online coaching chỉ yêu cầu học viên tự tập rồi báo cáo lại. Một vài nơi áp dụng hình thức bật gọi video nhưng không hiệu quả nhiều do vấn đề đường truyền, góc nhìn hạn chế.

Cần ý thức tự giác cao, không phù hợp với người có bệnh lý xương khớp

Theo huấn luyện viên Quang Huy, hình thức tập này hiệu quả tốt hơn với các bạn trẻ tuổi, có tinh thần quyết tâm cao.

“Tập online coaching không phù hợp với các học viên cao tuổi, có bệnh lý xương khớp. Số lượng người tập thể thao hiểu về cơ thể và cách bảo vệ xương khớp trong quá trình nâng tạ thực tế rất ít, có khi chưa đến 1%. Tập trực tiếp với huấn luyện viên nhưng điều kiện cơ thể quá kém cũng vẫn xảy ra các tai nạn, chấn thương. Vì vậy, việc tự tập sau đó báo cáo lại với huấn luyện viên càng tăng rủi ro”, Quang Huy nhận định.

Huấn luyện viên này phân tích người có tuổi còn đi kèm nhiều bệnh lý về nội tạng. Đôi khi, họ thích thể hiện sức mạnh hơn cả các bạn trẻ và tự tập mức tạ quá nặng, dẫn đến tai nạn liên quan đến huyết áp hoặc xương khớp.

Ngoài ra, hình thức tập này cũng hạn chế về giới tính, phù hợp với nam giới nhiều hơn. “Khách hàng nữ thường có tố chất hình thể yếu hơn, mục tiêu thường xuất phát từ giảm cân, muốn đẹp chứ không quá yêu thích bản chất bộ môn. Online coaching cũng được các bạn nam quan tâm và nghiêm túc với tập luyện nhiều hơn, thậm chí hướng đến mục tiêu thi đấu”, huấn luyện viên Quang Huy nói.

Huấn luyện viên Phạm Văn Dũng đang hướng dẫn tập gym. Ảnh: NVCC.

Đồng quan điểm, huấn luyện viên Phạm Văn Dũng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng cho rằng online coaching thiếu đi sự quan tâm, thúc đẩy tại chỗ từ huấn luyện viên nên rất cần nghiêm túc trong tập luyện. Một số học viên sẽ cố gắng hoàn thành các bài tập được đưa ra và ăn chuẩn theo lịch vì họ không có ai để than vãn. Số khác lại từ điểm này để tập luyện hời hợt, không theo sát giáo án của huấn luyện viên.

“Tôi từng gặp trường hợp đăng ký tập nhưng tự ý nghỉ vì quá lười, thậm chí cắt liên lạc với huấn luyện viên dù đã đóng toàn bộ chi phí gói tập”, Phạm Văn Dũng chia sẻ.

Theo vị huấn luyện viên này, việc chuẩn hóa kỹ thuật là vấn đề phức tạp nhất đối với huấn luyện viên. Máy quay, điện thoại tốt nhất cũng khó thể hiện đầy đủ các góc cơ thể để huấn luyện viên có thể xem và chỉnh sửa. Đặc biệt, với hình thức tự tập, cộng thêm trường hợp huấn luyện viên chưa tốt trong việc truyền tải kiến thức sẽ rất dễ dẫn đến học viên hiểu sai và tập sai, kém hiệu quả hoặc có nguy cơ chấn thương.

“Học viên có thể tự hiểu sai hoặc cố tình báo cáo sai để đỡ ‘khổ sở’ hơn trong việc tập luyện. Việc này dẫn đến chệch nhịp. Nhưng trường hợp này rất hiếm hoặc không tạo thành trải nghiệm quá khó chịu cho hai bên”, Phạm Văn Dũng nói.

Theo Zing.vn

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link