Bệnh nhân nhiễm virus cấp tính thường được bác sĩ cho dùng thuốc kháng sinh để tránh đồng nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, việc này đôi khi không thể cải thiện tỷ lệ sống sót của họ.
Lạm dụng thuốc kháng sinh là cơ sở để nhiều loại siêu vi khuẩn phát triển. Ảnh: BMHSC.
Theo đó, trong một báo cáo gần đây, các nhà nghiên cứu đã điều tra tác động của việc sử dụng kháng sinh đối với sự sống còn của hơn 2.100 bệnh nhân, tại một bệnh viện ở Na Uy từ năm 2017 đến 2021.
Reuters cho hay các nhà nghiên cứu phát hiện việc kê kháng sinh cho những người bị nhiễm trùng đường hô hấp thông thường, không làm giảm nguy cơ tử vong của họ trong vòng 30 ngày.
Giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, thuốc kháng sinh đã được kê đơn cho khoảng 70% bệnh nhân tại một số quốc gia. Điều này đã gây ra tai họa cho mầm bệnh kháng kháng sinh, được gọi là siêu vi khuẩn.
Thuốc kháng sinh đôi khi không mang lại hiệu quả
Tiến sĩ Magrit Jarlsdatter Hovind – tác giả chính của nghiên cứu, thuộc Bệnh viện Đại học Akershus và Đại học Oslo (Na Uy) – cho biết việc kê đơn thuốc kháng sinh cho nhiều bệnh nhân trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch Covid-19 đã thể hiện sự lạm dụng loại thuốc này; đồng thời, nó cũng khiến vi khuẩn đề kháng với nhiều phương pháp điều trị.
Các nhà khoa học coi sự phát triển của vi khuẩn là một mối đe dọa to lớn đối với sức khỏe toàn cầu do hệ thống liệu pháp thay thế hiện nay vẫn phát triển tương đối chậm chạp
Báo cáo mới nhất về nghiên cứu của tiến sĩ Magrit Jarlsdatter Hovind và các đồng nghiệp sẽ được trình bày tại Hội nghị châu Âu về Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm vào tháng tới ở Copenhagen. Nó liên quan đến những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với các bệnh nhiễm virus như cúm, RSV hoặc Covid-19.
Theo nghiên cứu, có đến 63% trong số 2.111 bệnh nhân được dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng đường hô hấp trong thời gian nằm viện. Trong vòng 30 ngày, 168 bệnh nhân đã tử vong (bao gồm 22 bệnh nhân không được kê đơn thuốc kháng sinh).
Sau khi xem xét các yếu tố như giới tính, tuổi tác, mức độ nghiêm trọng của bệnh và bệnh nền sẵn có, nhóm nghiên cứu nhận thấy trong vòng 30 ngày, những người được kê đơn thuốc kháng sinh suốt thời gian nằm viện có nguy cơ tử vong cao gấp đôi, so với những người không được kê đơn.
Họ lưu ý những bệnh nhân ốm yếu, người mắc các bệnh tiềm ẩn đều có nhiều khả năng phải dùng thuốc kháng sinh và tử vong cao hơn. Các yếu tố khác như tình trạng hút thuốc của bệnh nhân cũng đóng một vai trò nhất định.
“Các bác sĩ không nên cho bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh”, bà Hovind nói.
Nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh vẫn còn cao ở nhiều quốc gia. Ảnh: Healthline.
Thiếu hụt thuốc kháng sinh
Theo Reuters, thử nghiệm lâm sàng của tiến sĩ Hovind và các đồng nghiệp là cần thiết trong bối cảnh nhiều bệnh nhân muốn điều trị bằng kháng sinh khi phải nhập viện do nhiễm trùng đường hô hấp thông thường.
Vào cuối tháng 1 vừa qua, một nhóm bệnh nhân và người tiêu dùng châu Âu đã nói với cơ quan quản lý dược phẩm Liên minh châu Âu về tình trạng thiếu một số loại kháng sinh trên thị trường.
Bức thư gửi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đưa ra trong bối cảnh thiếu hụt thuốc kháng sinh, bao gồm cả amoxicillin, kể từ tháng 10 năm ngoái. Việc thay thế amoxicillin bằng những loại kháng sinh khác làm giảm nguồn cung của một số loại thuốc. Ngoài ra, những giải pháp hiện tại cũng không thể làm giảm tình trạng thiếu hụt và khủng hoảng kháng sinh.
Bên cạnh đó, nhu cầu đối với một số loại thuốc đã gia tăng trở lại vì sự bùng phát của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, gây thêm áp lực lên nguồn cung toàn cầu. Các nhà sản xuất thuốc lại không đáp ứng kịp nhu cầu, do họ đã cắt giảm sản lượng trong thời gian đỉnh điểm của đại dịch.
Với những lý do nêu trên, nghiên cứu của bà Hovind đóng vai trò rất lớn trong việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh và giải tỏa bớt áp lực cho các nhà sản xuất thuốc trên thế giới.
Theo Minh Uyên (zing) – Ảnh: T.H