Thoát vị đĩa đệm do tập gym sai cách về lâu dài có thể chèn ép dây thần kinh, gây đau, tê liệt các cơ. Nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị yếu, liệt các cơ quan vùng chậu.

Đ.T.M.T., 21 tuổi, nữ sinh viên một trường đại học tại TP.HCM, đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng vì phát hiện các cơn đau mỏi vùng lưng và thắt lưng sau khi cô thực hiện những bài tập ở phòng gym, đặc biệt là các động tác nâng tạ.

Thoát vị đĩa đệm do tập gym sai cách

Trước đó, T. từng đi khám tại bệnh viện khác, được chụp phim và chẩn đoán thoát vị đĩa đệm nhưng không được xử trí. Khi đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM hồi tháng 4, cô đau nhiều vùng thắt lưng.

Cơn đau, tê bì lan xuống mông và hai chân. Khi cúi người, cơn đau tăng dần khiến nữ sinh không thể ngồi học trong thời gian dài cũng như tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí.

Tại bệnh viện, T. được bác sĩ cho biết khung chậu bị xoay trước, lệch hông, thay đổi đường cong sinh lý cột sống cổ và thắt lưng. Sau 3 buổi điều trị cân chỉnh cơ xương khớp tại trung tâm, bệnh nhân đã đỡ hẳn, bớt đau mỏi, các hoạt động trong cuộc sống cũng vì thế trở nên dễ dàng hơn và có sinh lực hơn.

Sau vài buổi điều trị hiệu chỉnh cơ xương khớp, tình trạng của bệnh nhân đã có cải thiện. Ảnh minh họa: Beeperlegal.

Cũng tự tập gym như nữ sinh T., ông N.H.Đ. (56 tuổi, nam) đã theo đuổi bộ môn này suốt 20 năm nay. Sau mỗi buổi tập, cảm thấy đau vùng lưng và cổ, ông Đ. tự đi mua thuốc uống vì chỉ nghĩ đau cơ sau khi tập luyện.

Mãi đến đầu năm nay, người đàn ông đi khám tại một phòng khám vật lý trị liệu ở TP.HCM, được chẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và thắt lưng. Tại đây, ông được điều trị một thời gian nhưng bệnh lý không tiến triển khả quan.

Đầu tháng 5, những cơn đau âm ỉ và cơn tê vùng cổ, cơn đau vùng thắt lưng tăng dần khiến ông Đ. gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt do tê bì vùng chân và tay.

Đến khám tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM, bệnh nhân được phát hiện bị “lưng phẳng”, mất đường cong sinh lý cột sống ngực và thắt lưng; khung chậu xoay sau gây hiện tượng bất đối xứng; các cơ vùng lưng căng cứng, đau ê ẩm vùng cổ vai gáy thắt lưng.

Ông Đ. được hướng dẫn tập hiệu chỉnh xương khớp để cải thiện các cơ vùng thắt lưng. Đến ngày thứ 3 tập luyện, các cơn đau nhức giảm dần, người bệnh cảm thấy thoải mái hơn trong sinh hoạt và làm việc.

Ngày càng nhiều người trẻ bị thoát vị đĩa đệm

Bác sĩ Trịnh Quang Anh, Trưởng đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM, cho hay trước đây, bệnh thoát vị đĩa đệm thường xuất hiện ở bệnh nhân lứa tuổi trung niên.

Nguyên nhân mắc bệnh thường là đĩa đệm và cột sống bị tổn thương sau thời gian dài lao động, làm việc quá sức kết hợp với quá trình lão hóa, thoái hóa.

Ngày nay, độ tuổi của bệnh nhân thoát vị đĩa đệm có xu hướng trẻ hóa do tính chất lao động cũng như sinh hoạt thay đổi.

Đa phần người trẻ mắc bệnh do đứng, ngồi, sử dụng máy tính, điện thoại với tần suất dày đặc, sai tư thế. Ngoài ra, thoát vị đĩa đệm cũng phổ biến ở một số bệnh nhân vận động quá mức và sai cách trong thời gian dài.

Do đó, bác sĩ Quang Anh khuyến cáo người bệnh liên tục tập gym sai tư thế trong thời gian dài và không có chế độ tập cân bằng dễ có nguy cơ dẫn đến thoát vị đĩa đệm.

Một số động tác như nâng tạ hay đẩy tạ có thể tạo thêm áp lực tác động lên cột sống. Áp lực tăng sẽ đè nén lên đệm cột sống dẫn đến thoát vị.

Thoát vị đĩa đệm gây chèn ép thần kinh, gây tê bì chân tay, đau lan sang các cơ. Nếu tiếp tục tập luyện mà không điều trị, bệnh nhân có thể gặp tình trạng nặng hơn như yếu cơ, teo cơ, liệt các cơ quan vùng chậu (bàng quang, cơ quan sinh dục).

Theo bác sĩ Quang Anh, với những trường hợp như ông Đ. hay nữ sinh T., hiệu chỉnh cơ xương khớp là phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm mang lại hiệu quả.

Phương pháp này có thể điều trị tận gốc những vấn đề trên mà không cần dùng thuốc giảm đau, giãn cơ hay làm vật lý trị liệu, massage, hồng ngoại sóng ngắn để giãn cơ thông thường.

Bác sĩ Quang Anh khuyến cáo tập thể thao là hoạt động mang lại lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, những người tập thể thao lâu dài sau một thời gian nên đi khám, kiểm tra hệ cơ xương khớp của mình để được phát hiện và điều trị các vấn đề nếu có.

Theo Linh Thùy (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link