Trong võ thuật, khi đạt đến mức thượng thừa, không mấy khi người ta muốn động đến đao kiếm cũng như quyền cước gây thương vong cho người khác mà thường chỉ cần vận dụng đến khí thế bên ngoài cũng đủ để uy hiếp đối phương. Đó chính là võ thuật của môn phái Aikido.

Aikido và con đường phát triển

Aikido là môn võ quý tộc vốn ở Nhật Bản mà từ chiến tranh thế giới thứ 2 về trước, chỉ có người ở trong Hoàng tộc mới được luyện tập. Sau chiến tranh kết thúc, Aikido mới công khai truyền dạy ngoài dân gian. Aikido được truyền đến Đài Loan là nhờ công của Lý Thanh Nam, một võ sinh đã tốt nghiệp môn võ này ở Nhật.

Trong lúc còn học ở trung học, Lý Thanh Nam đã nổi tiếng về võ thuật. Buổi đầu ông ta là võ sinh Nhu đạo. Năm 1958, ông đã tham dự cuộc thi đấu Nhu đạo tại Á vận hội lần thứ 3 và đoạt HC vàng cũng là lúc ông bắt đầu tiếp xúc với Aikido vì phát hiện ra rằng môn võ này có công dụng hộ thân tuyệt diệu, lại là môn võ rất hợp với người Trung Quốc. Thế rồi, ông bỏ ra hơn 20 năm đem hết sức lực nghiên cứu và tụ tập Aikido cùng ra sức phát triển môn võ này tại Đài Loan.

Lý Thanh Nam tiên sinh từng phát biểu rằng, trong giai đoạn huấn luyện Aikido có thể học được nhiều điều về đạo lý và phép tắc làm người. Cơ bản của Aikido là nghi thức hành lễ. Khởi đầu là hành lễ, học tập hay giao đấu xong cũng hành lễ, cho nên luyện tập Aikido trước sau tối thiểu là phải ít nhất 500 lần hành lễ.

Tự thắng chính mình trong Aikido

So với nhiều bộ môn võ thuật khác, Aikido có những ưu thế đặc biệt. Theo đó, phần đông các môn võ khác đều nhắm vào mục đích đánh ngã đối phương, trong khi Aikido lại nhằm vào mục đích tự thắng mình, vì thắng người là dễ, chính sự thắng mình mới là khó.

Aikido là môn võ nhưng lại đặt nặng hay đúng hơn nó mang tính chất văn hóa, nó giúp chúng ta rèn luyện và tu dưỡng về mặt tinh thần nhiều hơn là rèn luyện về kỹ thuật.

Điểm đặc biệt nữa của Aikido là nguyên lý vòng cầu. Nguyên lý này hóa giải mọi sự công kích của đối phương, nghĩa là nó có thể áp dụng đủ mọi phương hướng, tránh được sự đối diện xung đột và ngay trong tâm tư cũng không có ý niệm đối kháng. Điểm khác biệt lớn nhất của Aikido là dung nguyên lý tĩnh để chế ngự động. Kỹ thuật và nguyên tắc chủ yếu là không đối kháng với lực của đối phương mà thường đưa chiêu thế, công thế của đối phương thâm nhập vào động tác của chính họ rồi hướng vào đó mà chế phục nó.

Cảnh giới trong Aikido

Cảnh giới cao nhất trong binh pháp là không cần chiến đấu mà khuất phục được quân binh của đối phương, quyết định được sự chiến thắng từ nghìn dặm xa. Còn cảnh giới cao nhất trong Aikido là gì? Trong Aikido, kỹ thuật và phương pháp dù biến hóa nhiều nhưng chủ yếu vẫn là vấn đề khí. Khí vốn là cội rễ nguồn gốc của sự sống con người, hay nói cách khác khí là bản thể của vũ trụ. Dựa vào kỷ pháp luyện tập để cho khí lực phát sinh dồi dào sống động, tiến lên một bậc nữa, Aikido đỏi hỏi phải thống nhất ba yếu tố: tâm, khí, thể. Để rồi ba yếu tố đó hợp nhất với khí vũ trụ làm một và đạt đến trạng thái: “Ngô tâm tức vũ trụ, vũ trụ tức ngô tâm (tạm gọi là: tâm ta là vũ trụ, mà vũ trụ cũng là tâm ta). Thoạt nghe, Aikido có vẻ hơi giống Thiền. Có lẽ không quá khi nói Aikido là Thiền, có điều nó mang tính chất động, khác với Thiền có tính chất tĩnh.

Tóm lại, Aikido mang tính chất hòa bình, phát triển cơ thể nhưng lại khai sáng tinh thần đạo lý, đang được phổ biến rộng rãi trong đời sống ngày nay.

Theo khamphavothuat

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link