Kỷ luật tốt và rèn luyện tinh thần thép, không được phép run sợ trước đối phương là những quy tắc quan trọng được đề cập trong bí quyết đào tạo Samurai.

Nhà nghiên cứu Balazs Szabo cùng các đồng nghiệp đến từ khoa tiếng Nhật, Đại học Lorand Eotvos ở Budapest, Hungary, giới thiệu bản thảo đào tạo Samurai có tên gọi gốc là Bugei no jo có nghĩa là “giới thiệu về võ thuật”. Đây là bản thảo được viết vào năm 1844, năm thứ 15 của kỷ nguyên Tenpo tại Nhật Bản, nhằm dạy các học viên về Takenouchi-ryu, một hệ thống võ thuật để chuẩn bị sẵn sàng cho các học viên trước những thử thách đang chờ đợi họ ở phía trước. “Các kỹ thuật sử dụng kiếm, xuất hiện trong thời đại của các vị thần đã được lưu truyền một cách thiêng liêng và hình thành nên một truyền thống được thế giới tôn kính, nhưng sự tráng lệ của nó sẽ chỉ được toát lên khi kiến thức của học viên đạt đến độ chín muồi”, một đoạn trong bản thảo Bugei no jo viết.

Theo Fox News, nhóm nghiên cứu đến từ đại học này cũng phát hiện ra rằng, tài liệu cổ do một bậc thầy về quân sự của Trung Quốc viết ra. Đây là văn bản được viết theo phong cách kanbun, hệ thống kết hợp các yếu tố trong chữ viết của người Trung Quốc và Nhật Bản. Cho đến năm 1982, bản thảo này mới được xuất bản lần đầu bằng ngôn ngữ gốc và gần đây, một phần nội dung trong cuốn bí kíp đào tạo Samurai đã được phân tích và dịch sang tiếng Anh và đăng tải trên tạp chí Nghiên cứu khoa học Acta Orientalia của Hungary.

Trong phần lớn nội dung giảng dạy, bản thảo yêu cầu các học viên phải có tinh thần kỷ luật tốt và không được phép run sợ khi đối diện với đối phương. “Khi bước ra khỏi cổng, dù nhìn thấy đối phương áp đảo về số lượng nhưng chúng ta không được phép lung lay, run sợ. Nếu làm được điều đó, chúng ta đã là người chiến thắng khi cuộc giao tranh giữa hai bên chỉ mới bắt đầu”. Đây là một đoạn trong tài liệu Bugei no jovà được trích dẫn từ Ngũ kinh thất thư, 7 bản thảo quân sự quan trọng của Trung Quốc thời cổ đại.

Thế kỷ cuối cùng của các Samurai

Theo giải thích của nhà nghiên cứu Szabo, vào năm 1844, chỉ các thành viên của lớp Samurai được cho phép nhận bản thảo đào tạo võ thuật và cơ hội này hầu như không bao giờ dành cho những người ngoại đạo. Các học viên Samurai trong hầu hết các trường hợp sẽ tham gia vào nhiều trường đào tạo võ thuật khác nhau. Thêm vào đó, họ cũng sẽ được dạy viết chữ Hán, được học Nho giáo và thi ca. Các sinh viên bắt đầu việc huấn luyện Takenouchi-ryu trong năm 1844 có thể không nhận ra rằng, họ đã sống tại một thời điểm mà đất nước Nhật Bản đang trải qua những đổi thay to lớn.

Quy tắc Samurai Bản thảo Bugei no jo có quy định rõ, võ sĩ phải là người có tri thức, biết cách giữ tinh thần bình tĩnh, khả năng sử dụng kiếm thành thạo khi ra trận cũng như tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc khác. Văn bản dịch thuật mới nhất đã chỉ ra 12 quy tắc mà những người theo đuổi giấc mơ trở thành một Samurai thực thụ phải tuân theo, trong số đó, có các quy tắc như “đừng từ bỏ con đường danh dự” và “đừng làm những việc đáng xấu hổ”.

Một nguyên tắc đáng chú ý nữa, đó là “đừng để những lời dạy ở trường lọt ra ngoài”. Nguyên tắc này được tạo ra nhằm giữ bí mật tuyệt đối cho những bí kíp võ thuật của nhà trường và hỗ trợ đắc lực cho các học viên, giúp họ tìm thấy bản thân trong mọi cuộc chiến. “Đối với một ngôi trường đào tạo võ thuật, để nó trở nên hấp dẫn, điều cần thiết là phải có những kỹ thuật đặc biệt cho phép các chiến binh chiến đấu hiệu quả ngay cả với những đối thủ mạnh nhất. Những kỹ thuật tinh vi này là niềm tự hào của trường và phải được giữ bí mật tuyệt đối bởi sự rò rỉ ra bên ngoài sẽ dẫn đến những tổn thất cả về kinh tế và uy tín của nhà trường”, nhà nghiên cứu Szabo giải thích.

Ngoài ra, các học viên Samurai không được phép nói xấu cũng như đố kỵ, cạnh tranh với bạn đồng môn. Trong con mắt của người phương Tây hiện đại, họ cho rằng việc các Samurai đánh lộn lẫn nhau là điều hết sức bình thường. Thế nhưng từ năm 1844, họ không được phép làm điều này.

Theo khamphavothuat

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link