Siêu âm thai là một trong những phương pháp kiểm tra giúp theo dõi sự phát triển của con yêu, đồng thời phát hiện những dấu hiệu bất thường nếu có trong thai kỳ của mẹ. Vậy, siêu âm bao nhiêu lần thì đủ? Siêu âm nhiều có hại không?

Lợi ích của việc siêu âm

– Xác nhận mang thai và vị trí của thai: Một số thai có thể phát triển bên ngoài tử cung, trong ống dẫn trứng. Do đó, siêu âm thai có thể giúp bác sĩ phát hiện trường hợp thai ngoài tử cung để có hướng xử lý kịp thời.

– Xác định tuổi thai: Khi biết tuổi thai, bác sĩ sẽ dự kiến ngày sinh và lên lịch, theo dõi các mốc quan trọng khác trong suốt thai kỳ.

– Xác nhận số lượng em bé: Nếu bác sĩ nghi ngờ đa thai, siêu âm được thực hiện để phát hiện số lượng thai nhi trong tử cung.

– Đánh giá sự tăng trưởng của thai nhi: Bác sĩ sử dụng siêu âm để xác định xem liệu thai nhi đang phát triển với tốc độ bình thường hay không và theo dõi chuyển động, nhịp thở và nhịp tim của thai.

sieuam

– Đánh giá nhau thai và nước ối.

– Xác định dị tật bẩm sinh.

– Tìm nguyên nhân của các triệu chứng bất thường: Nếu sản phụ bị chảy máu hoặc có các biến chứng khác, siêu âm có thể giúp bác sĩ xác định nguyên nhân.

– Thực hiện các xét nghiệm khác: Bác sĩ có thể sử dụng siêu âm để hướng dẫn vị trí chọc kim trong các xét nghiệm tiền sản như chọc ối hoặc lấy mẫu lông nhung màng đệm.

– Xác định vị trí của thai trước khi sinh.

Siêu âm nhiều có ảnh hưởng đến em bé không?

Đến thời điểm hiện nay, chưa có nghiên cứu có ý nghĩa lâm sàng về việc sóng siêu âm gây ảnh hưởng xấu hay gây dị tật đến thai. Tuy nhiên, việc các sản phụ đi siêu âm quá nhiều là không cần thiết và gây lãng phí về tài chính cho thai phụ.

Do đó, các thai phụ nên đi khám thai, siêu âm theo lịch hẹn của bác sĩ, đặc biệt không nên bỏ qua 3 thời điểm vàng trong siêu âm để phát hiện sớm các bất thường ở thai nhi, để được sự tư vấn từ bác sĩ và có kế hoạch quản lý thai nghén phù hợp.

Hiện nay siêu âm thai là một hình thức thăm khám khá phổ biến ở hầu hết các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh. Các chuyên gia y tế khuyên các mẹ chỉ cần khám thai định kỳ theo các mốc thời gian cần thiết chứ không nên lạm dụng việc đi siêu âm thai.

Trong cả chu kỳ, nhiều người mẹ trung bình siêu âm từ 9 – 10 lần nhưng có người mới mang thai ở tuần thứ 20 mà số lần thực hiện siêu âm đã lên tới 14 – 15 lần. Điều này diễn ra phổ biến ở Việt Nam ngay cả khi sức khoẻ của mẹ và bé hoàn toàn bình thường.

Siêu âm thai bao nhiêu lần là đủ?

Như đã nói ở trên, không nên lạm dụng siêu âm thai. Vậy, theo các bác sĩ chuyên khoa sản, siêu âm thai bao nhiêu lần là đủ?

Thực tế, đối với những thai phụ và thai nhi phát triển khỏe mạnh, thì chỉ cần siêu âm 3 lần trong cả thai kỳ là đủ. Đây cũng là 3 mốc thời gian quan trọng, mà mẹ bầu bắt buộc phải tiến hành siêu âm:

Tuần thứ 12 – 14 của thai kỳ

Đây là mốc thời gian tốt nhất để các bác sĩ xác định tuổi thai và độ mờ da gáy của thai. Việc xác định độ mờ da gáy vào thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phát hiện những bất thường về nhiễm sắc thể, nguyên nhân chính gây ra các bệnh nguy hiểm như: bệnh Down, tim bẩm sinh, thoát vị cơ hoành,….

Mẹ bầu cần lưu ý, độ mờ da gáy chỉ có thể xác định chính xác vào mốc thời gian này, nếu mẹ bầu thực hiện xét nghiệm này vào các thời điểm khác thì gần như các kết quả là không có giá trị. Vì vậy, mẹ bầu cần nhớ kỹ, để có thể đi thăm khám đúng ngày nhé!

Tuần thứ 21 – 24 của thai kỳ

21 – 24 tuần tuổi là thời điểm mà con đã bắt đầu hình, hình thể với một số bộ phận cơ quan, quan trọng như: não, hộp sọ, cột sống, tim, gan, phổi,… Việc siêu âm vào thời điểm này, giúp bác sĩ có thể khảo sát, đánh giá hình thể của con, qua đó phát hiện những dấu hiệu bất thường ở thai nhi như: dị dạng của các cơ quan nội tạng, hở hàm ếch…

Tuần thứ 30 – 32 của thai kỳ

Đây là thời điểm quan trọng giúp bác sĩ có thể phát hiện những bất thường về hình thể của thai nhi trong giai đoạn muộn của thai kỳ như những dấu hiệu ở mạch máu, ở tim, ở não.

Ngoài ra, siêu âm trong giai đoạn này giúp bác sĩ chẩn đoán cân nặng, ngôi thai, nước ối, bánh nhau, qua đó có những chẩn đoán cho kỳ sinh sắp tới của mẹ, mẹ có thể sinh sớm hay sinh đúng ngày, sinh thường hay phải tiến hành mổ lấy thai nhi.

Siêu âm nhiều có hại không? Câu trả lời là chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh siêu âm nhiều có hại nhưng cũng không nên lạm dụng. Hãy siêu âm theo lời khuyên và chỉ định của các bác sĩ.