Mới đây, Chính phủ đã đồng ý 5 trường hợp dữ liệu cá nhân được xử lý mà không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Nghị quyết 27/NQ-CP của Chính phủ thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo đó, Chính phủ quyết nghị đồng ý quy định dữ liệu cá nhân được xử lý mà không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong trường hợp sau:
– Việc xử lý là cần thiết để ứng phó với tình huống khẩn cấp đe dọa đến tính mạng, sức khỏe hoặc sự an toàn của chủ thể dữ liệu hoặc cá nhân khác. Bên Kiểm soát dữ liệu, Bên Xử lý dữ liệu, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu, Bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này.
– Việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật.
– Việc xử lý là cần thiết vì yêu cầu quốc phòng, an ninh quốc gia, được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật khác.
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của luật.
– Dữ liệu cá nhân được xử lý bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền với mục đích phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của luật.
Chính phủ quyết nghị thông qua nội dung dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Các dữ liệu cá nhân cơ bản bao gồm:
– Họ, chữ đệm và tên khai sinh, bí danh (nếu có).
– Ngày, tháng, năm sinh; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
– Nhóm máu, giới tính; Nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, quê quán, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử.
– Trình độ học vấn; Dân tộc; Quốc tịch; Số điện thoại.
– Số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu, số căn cước công dân, số giấy phép lái xe, số biển số xe, số mã số thuế cá nhân, số bảo hiểm xã hội.
– Tình trạng hôn nhân; và dữ liệu phản ánh hoạt động hoặc lịch sử hoạt động trên không gian mạng.
Ngoài ra còn có các dữ liệu cá nhân nhạy cảm như:
– Dữ liệu cá nhân về quan điểm chính trị, tôn giáo; Dữ liệu cá nhân về tình trạng sức khỏe.
– Dữ liệu cá nhân về di truyền là thông tin liên quan đến các đặc điểm di truyền được thừa hưởng hoặc có được của cá nhân.
– Dữ liệu cá nhân về tài chính là thông tin được sử dụng để xác định tài khoản, thẻ, công cụ thanh toán do tổ chức tài chính cung cấp cho chủ thể dữ liệu.