Những việc quan trọng mà F0 cần phải làm để nhanh khỏi, ngừa di chứng là gì, hãy cùng nghe chuyên gia giải thích.

Hiện nay, số ca nhiễm Covid-19 đang ngày càng tăng cao. Khi biết tin mình dương tính, nhiều người thường tỏ ra lo lắng, hoảng sợ. Tuy nhiên, điều bạn cần lúc này là phải thật bình tĩnh, tham khảo những thông tin chính thống và tự theo dõi tình trạng của mình.

Tiến sĩ Judy Tung, trưởng khoa Nội tại Trung tâm Y tế NewYork-Presbyterian/Weill Cornell, Mỹ đã chỉ ra những việc cần làm nếu thành F0.

Nhận biết triệu chứng

Triệu chứng COVID-19 mà F0 có thể gặp phải khác nhau ở mỗi người. Các triệu chứng tiêu biểu bao gồm đau đầu, đau họng, sốt, nghẹt mũi và chảy nước mũi, ho, khó thở, đau cơ, mệt mỏi nghiêm trọng, buồn nôn, tiêu chảy, thay đổi vị giác và khứu giác.

Biến thể Omicron có một số triệu chứng tương tự như Delta và các biến thể trước đó. Tuy nhiên, Omicron được cho là gây ra nhiều triệu chứng hô hấp trên (đau họng và nghẹt mũi) hơn các triệu chứng hô hấp dưới (ho, khó thở). Với Omicron, dường như cũng có ít người mất vị giác và khứu giác hơn, Tiến sĩ Tung nói.

“Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng khác nhau khá nhiều ở mỗi người và thời gian cũng có thể kéo dài vài ngày với người này, nhưng vài tuần đối với những người khác, điều này rất mệt mỏi”, bác sĩ Tung nói. “Điều quan trọng là phải luôn nhận biết các triệu chứng của bạn”.

6

Liên hệ với nhân viên y tế

Hãy gọi cho nhân viên y tế ngay khi các triệu chứng COVID-19 khởi phát để họ có thể tư vấn và theo dõi cho bạn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao, bao gồm người lớn tuổi và những người mắc các bệnh nền như béo phì, bệnh phổi mãn tính, tiểu đường hoặc bệnh tim mạch.

Test nhanh COVID-19

Hãy xét nghiệm nếu bạn có bất kỳ triệu chứng COVID-19 nào. Hầu hết các test nhanh COVID-19 để sử dụng tại nhà là xét nghiệm kháng nguyên và có thể cho kết quả sau khoảng 15 phút. Các xét nghiệm kháng nguyên phát hiện protein từ các phần tử virus và thường ít nhạy hơn so với các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR), vì vậy có thể cho kết quả âm tính giả.

Nếu bạn có triệu chứng COVID-19 nhưng xét nghiệm kháng nguyên cho kết quả âm tính, hãy đặt hẹn xét nghiệm PCR và cách ly tại nhà trong khi chờ kết quả. Nếu bạn không thể làm xét nghiệm PCR, hãy làm lại test nhanh COVID-19 trong một hoặc hai ngày tiếp theo để tăng cơ hội phát hiện virus.

Tiến sĩ Tung nói: “Test nhanh COVID-19 tại nhà là một công cụ mạnh mẽ. Nếu bạn không có các triệu chứng nghiêm trọng, đừng đến bệnh viện chỉ để làm xét nghiệm COVID-19”.

Nghỉ ngơi và uống nhiều nước

Nghỉ ngơi nhiều và cung cấp đủ nước cho cơ thể là một trong những điều khác F0 cần nhớ. Sốt, nôn mửa và tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước, khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Để một chai nước lớn cạnh giường và uống thường xuyên. Súp, trà với mật ong và nước ép trái cây cũng là những lựa chọn tốt.

Bác sĩ Tung nói: “Bạn có thể nhận biết cơ thể đang bị mất nước nếu miệng khô, đầu óc quay cuồng khi chuyển từ tư thế ngồi sang tư thế đứng và lượng nước tiểu giảm xuống. Bạn nên đi tiểu ít nhất 4-5 giờ một lần. Mất nước nghiêm trọng là một trong những lý do bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện, vì cơ thể trở nên quá yếu để chống lại nhiễm trùng”.

Theo dõi sức khỏe chặt chẽ

Theo dõi, ghi lại chi tiết triệu chứng và liên hệ với bác sĩ nếu bạn cảm thấy mệt mỏi hơn. Đo nhiệt độ ít nhất hai lần mỗi ngày và chú ý đến nhịp thở, đặc biệt nếu bạn cảm thấy khó thở khi nghỉ ngơi hoặc hoạt động nhẹ.

Nếu bạn có thiết bị đo SPO2 kẹp đầu ngón tay, hãy sử dụng thiết bị này để đo nồng độ oxy trong máu. Nếu SPO2 giảm xuống dưới 95%, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Nếu chỉ số này giảm xuống dưới 90%, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. COVID-19 thể nặng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp và người bệnh có thể cần bổ sung oxy.

Ngoài ra, nếu bạn cảm thấy khó thở, đau hoặc tức ngực dai dẳng, lú lẫn, không tỉnh táo, môi hoặc mặt xanh nhợt, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Điều trị triệu chứng

Sốt cao hoặc sốt liên tục rất nguy hiểm vì chúng làm trầm trọng thêm tình trạng mất nước, làm suy giảm khả năng suy nghĩ và làm tăng nhu cầu oxy tổng thể của các cơ quan quan trọng. Do đó, điều trị cơn sốt là rất quan trọng. Uống thuốc hạ sốt không kê đơn như acetaminophen (500 miligam đến 1.000 miligam) sau mỗi 6-8h để hạ sốt nếu sốt hơn 38.5 độ.

Thuốc trị tiêu chảy không kê đơn có thể hữu ích cho người bị tiêu chảy, đặc biệt nếu phân có nhiều nước và bạn đi tiêu nhiều hơn 8 đến 10 lần một ngày. Luôn hỏi ý kiến bác sĩ mỗi khi muốn điều chỉnh kế hoạch điều trị.

7

Yêu cầu giúp đỡ

Các thành viên trong gia đình nên giúp đỡ bạn mua sắm đồ dùng, thuốc (nếu họ không bị cách ly) và hỗ trợ các nhu cầu khác của bạn. Nếu bạn sống một mình, hãy liên hệ với bạn bè hoặc thành viên trong gia đình và cho họ biết bạn bị bệnh. Bạn cũng có thể nhờ hàng xóm mua đồ hộ và để trước cửa nhà hoặc sử dụng dịch vụ giao hàng.

Đây là thời điểm thích hợp để dự trữ thực phẩm, thuốc men và đồ dùng gia đình cần thiết. Tạo danh sách liên lạc khẩn cấp gồm bạn bè, gia đình, hàng xóm và bác sĩ để gọi khi cần.

Bảo vệ người khác

Một trong những điều quan trọng khác là tránh lây lan virus. CDC Mỹ khuyến cáo F0 hãy ở nhà ít nhất năm ngày và tự cách ly trong phòng càng nhiều càng tốt, kể cả việc ăn uống cũng nên thực hiện trong phòng riêng. Sử dụng phòng tắm riêng nếu có. Tránh tiếp xúc với những người thân lớn tuổi hoặc già yếu có bệnh nền.

Cũng theo CDC Mỹ, F0 cần tiếp tục đeo khẩu trang khi ở gần người khác trong vòng 10 ngày sau (và những người khác cũng nên đeo khẩu trang xung quanh bạn). Các biện pháp này cũng áp dụng cho những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 nhưng không có triệu chứng.

Nếu bạn phải ở chung phòng, hãy ở cách xa những người khác ít nhất 2m; các thành viên khác trong gia đình nên cố gắng ngủ cách bạn 2m. Mở cửa sổ trong phòng để không khí lưu thông tốt. Nếu dùng chung phòng tắm, hãy làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào sau khi bạn sử dụng.

Theo CDC Mỹ, nếu bạn quá yếu hoặc không thể dọn phòng tắm, người chăm sóc của bạn nên đeo khẩu trang và đợi càng lâu càng tốt sau khi bạn sử dụng phòng tắm để vào làm sạch và sử dụng phòng tắm.

Không dùng chung cốc, đĩa, đồ dùng, điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử khác, khăn tắm hoặc chăn ga gối. Lau các bề mặt thường xuyên chạm vào như điện thoại, tay nắm cửa hằng ngày. Mọi người nên rửa tay thường xuyên trong ít nhất 20 giây bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng chất khử trùng tay.

Dần dần trở lại cuộc sống bình thường

Thời gian hồi phục của F0 có thể từ vài ngày đến hơn hai tuần đối với những trường hợp nặng. Ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe, bạn vẫn có thể lây nhiễm cho người khác, vì vậy hãy tuân thủ các hướng dẫn của CDC và cơ quan y tế trước khi rời khỏi phòng bệnh và nhà của bạn.

Sau khi kết thúc cách ly, bạn có thể làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh và nếu kết quả dương tính, hãy ở nhà cho đến ngày thứ 10. Tốt hơn hết hãy hỏi ý kiến nhân viên y tế trước khi chấm dứt thời kỳ cách ly.