Rất nhiều người thắc mắc vì sao họ đã khỏi bệnh, âm tính rồi mà vẫn xuất hiện triệu chứng. Dưới đây là 4 giả thuyết được đưa ra.
Sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19, các y bác sĩ ngày càng hiểu rõ hơn về cách nhận biết về tình trạng COVID kéo dài, một nhóm các vấn đề sức khỏe mà F0 gặp phải trong thời gian dài sau khi mắc bệnh. Nhưng các nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được chính xác nguyên nhân gây ra COVID kéo dài.
“Khả năng rất cao đây không chỉ là một tình trạng bệnh”, theo bác sĩ Francis Collins – Giám đốc Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ, nơi đã đầu tư hơn 470 triệu USD trong công cuộc nghiên cứu tình trạng COVID kéo dài.
Covid kéo dài là tình trạng đa hình đa dạng có thể bao gồm hàng tá triệu chứng. Một nghiên cứu lớn thậm chí đã xác định hơn 200 triệu chứng của COVID kéo dài, điển hình như nhức đầu, kiệt sức, sương mù não (mất nhận thức, kém tập trung, thiếu minh mẫn…) và khó thở. F0 mắc bệnh nặng hoặc nhẹ, già hay trẻ đều có thể mắc COVID kéo dài.
Khoảng 10-30% bệnh nhân COVID-19 có thể gặp các triệu chứng trên liên tục trong ít nhất một tháng, nhiều trường hợp là nhiều tháng hoặc thậm chí một năm sau lần nhiễm bệnh đầu tiên (theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ).
Các nhà khoa học đang theo đuổi nhiều hướng nghiên cứu để tìm hiểu về cơ chế sinh học đứng sau tình trạng COVID kéo dài. Sau đây là 4 giả thuyết chính được đưa ra:
Virus vẫn còn trong cơ thể
Một số nhà khoa học đang nghiên cứu giả thuyết virus tồn tại dai dẳng trong cơ thể người nhiễm COVID-19 sau khi khỏi bệnh, gây nên các triệu chứng kéo dài.
“Nghi vấn cần được giải đáp trước tiên là liệu COVID có đang ẩn nấp đâu đó trong cơ thể”, bác sĩ Walter Koroshetz – Giám đọc Viện Rối Loạn Hệ Thần Kinh và Đột Quỵ Quốc Gia Mỹ, cho biết.
Điều này không phải chưa từng xảy ra. Có nhiều loại virus khác có khả năng ‘nán lại’ trong các bộ phận của cơ thể trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, tạo thành “ổ virus” mà hệ thống miễn dịch khó có thể tiêu diệt, theo Amy Proal, nhà vi sinh học tại Quỹ Nghiên cứu PolyBio.
Army cũng cho biết thêm: “Nói một cách đơn giản, mầm bệnh có xu hướng nấp trong các mô, và thực tế, chúng có rất nhiều cơ chế để thực hiện điều đó. Protein mà mầm bệnh tiết ra tạo điều kiện để chúng kết dính tốt hơn trong mô”.
Ví dụ: Các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng cho thấy virus Ebola tồn tại trong mô và dịch cơ thể trong thời gian dài sau đợt nhiễm đầu tiên. Một vài bệnh nhân sống sót sau Ebola trải qua các triệu chứng mãn tính, và họ dường như có phản ứng miễn dịch chống lại virus lúc mạnh lúc yếu giống như khi họ còn nhiễm bệnh. Ngay cả nghiên cứu gần đây cũng cho thấy nguyên nhân bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi có thể đến từ một cá thể đã nuôi dưỡng virus khi bị nhiễm từ nhiều năm trước.
Một số nghiên cứu cho thấy virus corona có thể tồn đọng trong nhiều bộ phận cơ thể, trong đó có đường ruột, ngay cả khi bệnh nhân đã âm tính. Dù vậy, điều này không đồng nghĩa với việc bệnh nhân có thể phát tán virus dễ dàng.
Giả thuyết này cũng giải đáp lý do nhiều người trải qua COVID kéo dài sẽ cảm thấy khỏe hơn sau khi tiêm vaccine, vì liều vaccine sẽ tăng cường miễn dịch chống lại sự tồn tại kéo dài của virus. Vấn đề này hiện đang được một nhóm từ Trường Y, Đại học Yale, Mỹ, nghiên cứu.
Hệ miễn dịch vẫn hoạt động
Bác sĩ Nancy Klimas – nhà miễn dịch học tại Đại học NOVA Southeastern, Mỹ, cho biết những bệnh nhân đến khám COVID kéo dài có triệu chứng rất giống với hội chứng mệt mỏi mạn tính.
Bà cho biết: “Đây là một bệnh lý thường xảy ra sau nhiễm virus. Có virus liên tục kích hoạt hệ thống miễn dịch mà không dừng lại”. Hiện tại hội chứng này vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn.
Theo Klimas, các virus kích hoạt chứng mệt mỏi mạn tính có xu hướng gây viêm mạnh mẽ (tương tự như SARS-CoV-2), thậm chí có thể dẫn đến tử vong vì các phản ứng viêm quá dữ dội. Do đó, sẽ không bất ngờ nếu virus corona có thể gây ra bệnh lý tương tự hội chứng mệt mỏi mạn tính.
Hệ thống miễn dịch tự tấn công chính mình
Có khả năng virus đã kích hoạt phản ứng tự miễn ở vài bệnh nhân COVID kéo dài. Đây là trạng thái khi hệ thống miễn dịch lạc hướng và tự tấn công các mô và cơ quan trong cơ thể.
Nhà nghiên cứu đã phát hiện việc nhiễm COVID-19 có thể khiến cơ thể tạo ra những loại protein nhất định được gọi là “tự kháng thể”. Các protein này có thể gây hại, được phát hiện trong nhiều bệnh tự miễn.
“Chúng tôi nhận thấy bệnh nhân COVID-19 có mức tự kháng thể đáng kinh ngạc, thực tế còn cao hơn các bệnh tự miễn như lupus”, theo bác sĩ Aaron Ring – nhà miễn dịch học tại Trường Y, Đại học Yale, Mỹ.
Những tự kháng thể này cũng được điều hướng đến các cơ quan khác, từ não đến hệ thần kinh trung ương, mạch máu và tiểu cầu. Cho đến nay, nhà nghiên cứu nhận thấy tự kháng thể có thể tồn tại trong bệnh nhân COVID trong nhiều tháng hoặc lâu hơn.
Bác sĩ Ring cho biết thêm: “Cơ chế này giải thích cho những hậu quả lâu dài chúng ta thấy được gây ra bởi COVID nhưng vẫn chưa được chứng minh rõ”.
Các virus khác hoạt động trở lại
Có thể các virus khác mà một người từng nhiễm trước đó đã ‘thức tỉnh’ và gây hại trong lúc một người nhiễm COVID-19.
Những virus này được kiểm soát khi cơ thể khỏe mạnh nhưng khi hệ miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 thì quá trình này sẽ suy yếu và rối loạn. Đây là một thời cơ tốt để virus khác tái hoạt động, âm thầm lây nhiễm sang các tế bào thần kinh và mô trong hệ thần kinh trung ương, thậm chí lây nhiễm cho não.
Trong lúc này, những virus khác ngoài virus corona có thể góp phần hình thành triệu chứng mạn tính thấy được ở bệnh nhân mắc COVID. Trong thực tế, nghiên cứu đã phát hiện bệnh nhân mắc COVID kéo dài có nguy cơ cao tái nhiễm virus Epstein-Barr, gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng.