Mặc dù đã khỏi bệnh, nhưng nhiều người vẫn phải chịu di chứng hậu Covid-19. Điều này khiến sức khỏe giảm sút nghiêm trọng.
Hiện nay, F0 mắc bệnh thường ít triệu chứng hoặc không có triệu chứng. Mặc dù khỏe nhanh, chỉ vài ngày đã âm tính nhưng nhiều bệnh nhân phải chịu di chứng hậu Covid-19 nặng nề.
Chị Nguyễn Thị H. 36 tuổi, Biên Hoà, Đồng Nai than thở chị là F0 từ tháng 11/2021 nhưng tới nay vẫn chịu những di chứng hậu Covid-19.
Chị H. kể trong lúc là F0 thì cảm thấy mệt mỏi trong người, hơi ớn lạnh, về buổi chiều hay bị đau ở sau lưng. Qua 11 ngày test âm tính nhưng từ ngày test âm tính thì người luôn mệt. Nhiều lần làm gì hay đi cầu thang cũng khó thở, hơi thở ngắn hơn, lúc bình thường cổ họng cũng hơi nghẹn nghẹn khó chịu cảm giác không thông như người bình thường lúc trước.
Theo BS Huỳnh Tấn Vũ – Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM cơ sở 3, sau khi bị nhiễm Covid-19 không phải ai cũng đã khỏi ngay và ổn định tâm lý. Sau nhiễm khoảng 30% người bệnh có vấn đề về sức khoẻ hoặc lo lắng về tâm lý. BS Vũ cho biết thực tế khám bệnh ở TP.HCM ông ghi nhận khoảng 50 triệu chứng hậu Covid-19 như người bệnh thấy mệt mỏi gặp rất nhiều, tổn thương cơ quan hô hấp nên khó thở, thở yếu nhất là khi gắng sức, có rối loạn về nhịp tim, sức khoẻ tâm thần như trầm cảm, mất ngủ, da nổi các mảng đỏ, đau khớp đặc biệt là tình trạng ngón chân Covid-19 – ngón chân ửng đỏ lên đau như bị gút.
Hậu Covid-19 ảnh hưởng tới cả sức khoẻ và tinh thần của người bệnh. Người tổn thương phổi là người chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm 1 mũi chưa đủ thời gian tạo miễn dịch, người có bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, lớn tuổi, suy giảm miễn dịch, người bị bệnh lý phổi như tắc nghẽn phổi mãn tính, hen phế quản, giãn phế quản khi mắc Covid-19 sẽ bị tổn thương phổi nhiều hơn có thể gây xơ phổi, giãn tĩnh mạch phổi.
Ngay cả những người khoẻ mạnh vẫn bị tổn thương phổi nên người bệnh hết sức lưu ý.
Nếu chụp Xquang hoặc CT có thể đánh giá tổn thương phổi, đo hô hấp kỹ để đánh giá thở như thế nào. Vấn đề phục hồi cơ quan hô hấp, BS Vũ cho biết ngoài dùng thuốc thì tập thở được xem là bài tập thể dục cho phổi để phổi được phục hồi.
Các bài tập mọi người nên áp dụng để phục hồi sau mắc Covid-19 đó là bài tập 4 thời có kê mông, giơ chân, tập tạ, tập với tư thế ngồi hoa sen.
Bài tập động tác thở 4 thời có kê mông và giơ chân
Bạn nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông cao khoảng 5-8cm vừa sức, tay trái để trên bụng, tay phải để trên ngực; nhắm mắt, chú ý vào việc tập thở.
Thời 1: Hít vào tối đa, ngực nở bụng phình và căng (4giây) (Hít ngực bụng nở).
Thời 2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách cố gắng hít thêm, lồng ngực vẫn giữ nguyên ở tình trạng nở tối đa, bụng vẫn phình căng cứng, đồng thời giơ một chân giao động qua lại 4 cái, rồi hạ chân (4 giây) (Giữ hơi hít thêm)
Thời 3: Thở ra thoải mái tự nhiên, để lồng ngực và bụng tự nhiên hạ xuống, không kềm không thúc (4 giây) (Thở không kèm thúc)
Thời 4: Thư giãn chân tay, mềm giãn (4 giây) (Nghỉ nặng ấm thân) chuẩn bị trở lại thời một.
Mỗi lần tập 10-20 hơi thở. Một ngày tập 2 lần.
Bài tập với tư thế ngồi hoa sen
Ngón tay của hai bàn tay đan chéo nhau và đưa lật lên trên, đầu bật ra sau, mắt nhìn lên bàn tay ở 1 điểm cố định của một ngón tay để thấy rõ từng nét.
Hít vô tối đa, giữ hơi và dao động tay, đầu thân qua lại từ 2-6 cái, mắt vẫn nhìn theo điểm cố định, thở ra triệt để, đồng thời đưa tay lại gần mặt độ 5cm mà vẫn cố nhìn rõ điểm cố định. Làm 3-5 hơi thở…
Bài tập cầm tạ
Hai chân đứng chữ nhân. Nắm chặt hai quả tạ trong hai tay (nặng vừa sức, khoảng 1-1,5kg mỗi quả). Đưa hai tay thẳng lên đằng trước và lên trên, cố gắng đưa ra phía sau càng nhiều càng tốt, hít vô tối đa; giữ hơi, dao động trước sau từ 2-6 cái; đưa hai tay ra đằng trước, hạ tay xuống đưa ra phía sau, càng xa càng tốt, đồng thời thở ra triệt để, có ép bụng thật mạnh, càng cố gắng đưa tay ra phía sau thì ép bụng càng mạnh, giữ tư thế ép bụng triệt để 2-3 giây. Làm động tác như vậy 3-5 hơi thở.
BS Vũ cho biết tập thở thời gian tính bằng tháng, năm chứ không đơn thuần là vài ngày, nếu tính thời gian tâp ngày 3 lần mỗi lần 30 phút. Sáng tập 30 phút: tập thở kết hợp động tác nằm ngửa, ngồi, đứng; trưa tập thư giãn 30 phút nếu được ngủ thì tốt. Chiều tối trước khi ngủ tập thở kết hợp động tác đứng, ngồi, nằm ngữa, thư giãn đi vào giấc ngủ. Muốn đạt được kết quả, người bệnh cần tập thở đúng cách và vận động cơ hoành để có hiệu quả nhất, đồng thời tập luyện cho các cơ hô hấp phụ ít hiệu năng được thư giãn…