Một số trường THCS và THPT tại Hà Nội ghi nhận tình trạng học sinh vừa tới trường đã phải quay về học online vì có F0.
Trong buổi đầu tiên qua trở lại trường học chính thức, nhiều phụ huynh học sinh có con học THCS – THPT ở Hà Nội cho biết, con vừa háo hức đến trường chưa được bao lâu đã quay về. Hỏi ra mới biết, lớp phát hiện có F0 và cả lớp được về nhà tiếp tục học trực tuyến.
Một trường THPT tại quận Tây Hồ ngày 9/2 cũng đã gửi thông báo tới cha mẹ học sinh, sau 2 ngày cho học sinh đi học đã xuất hiện một vài trường hợp F0. Sau khi kiểm tra thì chủ yếu các trường hợp F0 này có nguồn lây hoặc nghi ngờ nguồn lây từ gia đình.
Điều này cho thấy công tác kiểm soát, sàng lọc học sinh có biểu hiện nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19 chưa được các phụ huynh thực hiện triệt để. Do đó, trường này đề nghị phụ huynh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, lưu ý kiểm soát các con trong công tác phát hiện con có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm hoặc nhiễm COVID-19. Những con có triệu chứng ho, sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, khó thở … (ít nhất 2 triệu chứng) thì không đến trường đồng thời nhắc nhở học sinh khi đi học hạn chế tối đa giao lưu học sinh lớp khác.
Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cũng nói, trước khi cho học sinh đi học, các trường đều được diễn tập kỹ các tình huống như phát hiện F0, nghi ngờ F0 để bình tĩnh xử lý. Thực tế, trong ngày đầu tiên đón học sinh đến lớp, tại Trường THCS Thăng Long cũng có trường hợp học sinh đến 7h 15 phút, sau đó 9 giờ phụ huynh đến đón về do gia đình có người F0.
Kết quả test nhanh cho thấy học sinh này dương tính và hiện đang chờ kết quả xét nghiệm PCR. Ngay khi học sinh có kết quả test nhanh, giáo viên chủ nhiệm đã lập danh sách những học sinh tiếp xúc với em đó chuyển sang học trực tuyến. Nhà trường khử khuẩn lớp học.
Bình tĩnh ứng phó
Ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì ( Hà Nội) cũng thông tin, học sinh lớp 9 đến trường từ 7/2; học sinh lớp 7,8 đi học từ ngày 8/2. Đến nay, sau 3 ngày các nhà trường tổ chức dạy học trực tiếp đã phát hiện khoảng 4-5 trường hợp học sinh, giáo viên là F0. Tuy nhiên, đây là việc các trường đã lường trước và chuẩn bị kỹ càng để ứng phó.
“Khi có F0, giáo viên chủ nhiệm lớp sẽ rà soát, bóc tách những em thuộc diện F1 tiếp xúc gần với F0 đưa đi xét nghiệm và cách li tại nhà. Các em vẫn tiếp tục học trực tuyến. Số học sinh còn lại trong lớp sau khi xác định không tiếp xúc gần với F0 có thể học trực tiếp bình thường”, ông Ngát nói.
Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT Ba Vì nói rằng, kinh nghiệm tổ chức học trực tiếp an toàn là thực hiện nghiêm biện pháp 5K, trong đó vai trò phụ huynh theo dõi sát sức khoẻ, yếu tố dịch tễ của con rất quan trọng. Khi thấy con có biểu hiện bất thường hoặc đã có tiếp xúc với trường hợp nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh nên để con ở nhà theo dõi sức khoẻ, không đưa đến trường, tránh nguy cơ lây nhiễm cho các bạn cùng lớp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý các cơ sở giáo dục nếu phát sinh các trường hợp nhiễm bệnh cần cố gắng sàng lọc, xử lý trong phạm vi hẹp nhất có thể. Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng giúp chiến thắng dịch bệnh và đảm bảo an toàn trường học là tư tưởng, tinh thần, thái độ của cán bộ, giáo viên ứng phó với dịch bệnh một cách bình tĩnh, không hoảng hốt và thể hiện rõ sự hiểu biết.
“Ngoài ra, sự thống nhất, đồng thuận cao giữa nhà trường và gia đình là yếu tố quan trọng, bởi khi phụ huynh đồng thuận, hiểu biết, phối hợp thì nếu có phát sinh ca bệnh trong trường học cũng phối hợp cùng nhà trường xử lý hiệu quả hơn”, ông Sơn nói.