Lưu Dung (1719 – 1805) vẫn được biết đến với biệt danh Lưu Gù là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.

Với những ai đã từng xem bộ phim Tể tướng Lưu Gù chắc hẳn rất ấn tượng với nhân vật này. Ông nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực và yêu nước. Trái ngược hẳn với Hòa Thân, một vị quan tham nhũng nhất lịch sử triều Thanh.

Trên thực tế Lưu Gù không phải là tể tướng vì thời nhà Thanh không có chức quan này. Tuy nhiên, những gì mà Lưu Dung đóng góp cho đất nước đã khiến mọi người nể phục mà gọi là tể tướng – vị trí quan đầu triều thời phong kiến.

Lưu Dung sống qua 4 đời Hoàng đế nhà Thanh, nhưng cống hiến và được trọng dụng nhiều nhất trong thời trị vì của Càn Long và Gia Khánh.

su-that-ve-te-tuong-luu-gu

Trên phim ảnh, Lưu Dung được xây dựng với hình ảnh nhỏ con, thấp bé nhẹ cân và đặc biệt là có tấm lưng gù. Trong dân gian cũng mặc định vị quan này bị gù lưng. Tuy nhiên trong sử sách không có ghi nhận nào về hình dáng của vị công thần này. Trong các bức phác họa về ông thì đây là một người có dáng đứng bình thường.

Vậy nếu như Lưu Dung không bị gù thì cái tên Lưu Gù từ đâu mà ra?

Vào năm 1958, khi người dân mở rộng diện tích đất canh tác tại thành phố Cao Mật tỉnh Sơn Đông, ngôi mộ của Lưu Dung và vợ được phát hiện.

Khi khai quật ngôi mộ này, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nhiều sự thật vô cùng thú vị. Thứ nhất là trong mộ không có nhiều của cải châu báu. Điều này chứng tỏ dù làm quan đầu triều nhưng Lưu Dung quả thực thanh liêm.

Thứ hai là về hình dáng của ông. Hộp sọ của ông tương đối lớn, bắp chân dài khoảng 75cm.Theo ước tính của các chuyên gia, Lưu Dung có chiều cao lên đến 1,9 mét. Với chiều cao này ở thời của ông, Lưu Dung chẳng khác nào người khổng lồ.

Trong khi đó, vua Càn Long và Gia Khánh đều cao khoảng 1,7 mét. Là một vị quan trung thành, tôn kính nhà vua, Lưu Dung phải gập người thật sâu thì mới không “vượt mặt” bề trên của mình.Vậy nên mới có tương truyền rằng người đã đặt biệt danh Lưu Gù chẳng ai khác mà chính là vua Gia Khánh.

Ngoài ra, các nhà sử học cũng không loại trừ khả năng vì thói quen thường xuyên cúi người mà khi về già, Lưu Dung đã bị gù lưng thật sự. Sau tất cả, suy đoán thú vị này càng khẳng định hơn nữa đức tính tuyệt vời của Lưu Dung.