Hậu Covid-19 là nỗi ám ảnh của nhiều người. Vậy đâu mới là biểu hiện cảnh báo F0 dễ bị hậu Covid?

Hiện nay, nhiều người không còn quan tâm tới chuyện trở thành F0 nữa, mà chủ yếu lo lắng vấn đề về hậu Covid-19. Vậy đâu là dấu hiệu cảnh báo 1 người dễ bị di chứng Covid-19 kéo dài.

Trả lời cho câu hỏi này, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Y Học gia đình & chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: Theo các thống kê, nghiên cứu đã được báo cáo trong nước và quốc tế, các triệu chứng hậu Covid-19 rất đa dạng, có khoảng hơn 100 biểu hiện nhưng những biểu hiện thường gặp nhất, đứng đầu là mệt mỏi.

Tức là sau khỏi bệnh, người bệnh sẽ cảm thấy mệt, làm việc gì cũng mệt, hụt hơi, khó thở, đặc biệt là khó thở khi gắng sức, ví dụ như đi lên 1 thang gác đã cảm thấy rất mệt, tức ngực, đau nhức ở vùng trước và sau ngực.

2

“Chúng tôi đã gặp những điểm đau (của người gặp phải triệu chứng hậu Covid) rất đặc biệt, có người bị cảm giác tê bì kiến bò khắp cơ thể, đau nhức đầu, khó ngủ, mất ngủ… có những rối loạn khác trên da, ví dụ như mẩn đỏ, nổi mề đay và có thể khởi phát thêm những bệnh mà trước đây không có (rối loạn đường huyết, rối loạn nhịp tim, nhịp nhanh, hốt hoảng, sợ hãi, lo âu, có người rơi vào trạng thái trầm cảm, rối loạn tiêu hóa, hay quên, giảm trí nhớ, giảm tập trung…)”.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng nói thêm: Khi nhiễm Covid-19, quá trình viêm diễn ra trên cả cơ thể, không phải chỉ riêng ở đường hô hấp, cả nội tiết, cả não, cơ xương khớp, tim gan thận… đều bị tổn thương. Những tổn thương ấy sau này cũng sẽ gây ra sự thay đổi ở những chất dẫn truyền thần kinh, làm cho người sau khi khỏi Covid-19 bị rối loạn lo âu, buồn bã hơn. Đó là những tác động về thể chất trong cơ thể của con người.

”Nhưng những tác động về mặt tinh thần, ví dụ trong giai đoạn người bệnh bị ‘cô lập’, nằm trong phòng hỗ trợ đặc biệt (ICU) thì họ có thể cảm thấy vô cùng sợ hãi, phải thở máy, thở oxy, nhìn quanh toàn thấy người bệnh, lo lắng không biết mình có vượt qua được giai đoạn này không… đó chính là những trải nghiệm rất ám ảnh.

Có những người nhẹ hơn, ở nhà một mình chẳng hạn, chúng tôi đã gặp các bố mẹ nói rằng khi cho con nhiễm Covid-19 một mình trong phòng bị cuồng lên, kích thích. Do đó, tâm lý khi nhiễm Covid-19 cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm sinh lý của người đó sau khi đã hết Covid”.

Và còn một cảm nhận khác như mất người thân, nhiều người trong gia đình bị Covid-19 cùng lúc với các bệnh khác… kích hoạt thêm sự lo lắng cho những ”cựu F0” vốn đã rất hoang mang rồi. Thêm nữa là hàng ngày họ đọc những bản tin hàng ngày có bao nhiêu ca mắc, không biết mình có nặng lên không… Tất cả những điều này cũng sẽ quyết định các rối loạn tâm sinh lý của người sau mắc Covid-19 ở những giai đoạn sau.