Không chỉ có dung mạo tuyệt sắc, những mỹ nhân nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam này còn thông minh, vì nước hy sinh, có tài kinh bang tế thế phò vua giúp nước.
Trong lịch sử Việt Nam, hình ảnh các mỹ nhân sở hữu tài sắc vẹn toàn có lẽ đã không còn xa lạ gì. Những cái tên như An Tư công chúa, Ngọc Hân công chúa hay Nguyên Phi Ỷ Lan,… đã vang danh lịch sử bởi nét dịu dàng, khí chất và thông minh hơn người. Không chỉ vậy, họ có có công cứu nguy cho đất nước, mở mang bờ cõi dân tộc.
Huyền Trân công chúa
Huyền Trân công chúa sinh năm 1287, là con gái của vua Trần Nhân Tông, đồng thời bà cũng là em gái của vua Trần Anh Tông. Nàng công chúa nên duyên với Chế Mân – ông vua của Chiêm Thành (Champa) vào năm 1306.
Thời ấy, người đời ca tụng sự cao cả của Huyền Trân khi hi sinh hạnh phúc đời mình để giúp đất nước mở mang bờ cõi. Cuộc hôn nhân chính trị đã giúp nhà Trần lấy về hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên tới phía bắc Quảng Trị hiện tại).
Khi chồng mất, Huyền Trân được tướng Trần Khắc Chung tháp tùng đưa về Thăng Long theo lệnh của nhà Trần. Cả hai được cho là đã nảy sinh tình cảm trong chuyến hồi hương kéo dài suốt 1 năm. Sử sách ghi lại, vị công chúa được cho là đã quy y cửa Phật ngay khi về tới Thăng Long, lấy pháp danh là Hương Tràng. Am tranh Huyền Trân lập ra để tu hành khi ấy nay đã trở thành điện Phật với tên Quảng Nghiêm Tự (nằm ở Nam Định).
An Tư công chúa
An Tư công chúa được biết tới là con gái của vua Trần Thái Tông, hiện tại vẫn chưa rõ năm sinh, năm mất. Theo sử Việt, cuộc đời của bà khá giống với nàng Chiêu Quân. Hôn nhân của An Tư cũng dựa trên chính trị nhằm hoà hoãn, giúp cho đất nước.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên có ghi lại nhưng khá sơ sài. Công chúa Thiên Tư là An Tư công chúa được đưa tới cho Thoát Hoan vào tháng 2 (Ất Dậu) để thư nạn cho đất nước.
Đặc biệt, An Tư công chúa còn biết tới là người có công, đã hi sinh vì đất nước. Trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam có chép, cuộc chiến chống quân Nguyên Mông do Trần Quốc Tuấn chỉ huy giành được chiến thắng có một phần công lao không nhỏ của công chúa An Tư.
Ngọc Hân công chúa
Ngọc Hân công chúa có tên đầy đủ là Lê Ngọc Hân. Bà là con gái của Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền và vua Lê Hiển Tông. Vốn nổi tiếng là người con gái thông minh, xinh đẹp, tài hoa, Ngọc Hân kết duyên với Nguyễn Huệ (Quang Trung) trong một lần ông ra Bắc “phù Lê diệt Trịnh”.
Số phận vị phi tần xinh đẹp, trẻ tuổi nhất của Hoàng đế nhà ThanhSố phận vị phi tần xinh đẹp, trẻ tuổi nhất của Hoàng đế nhà Thanh
Bắt đầu từ cuộc hôn nhân chính trị, tuy nhiên cả hai đã nhanh chóng phải lòng nhau. Bà được phong làm Bắc Cung hoàng hậu và có với Quang Trung 2 người con. Sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, Quang Trung mất, thông qua câu chữ trong bài thơ Ai tư vãn, bà đã bày tỏ nỗi lòng mình cũng niềm tiếc thương vô hạn.
Bà đến sống trong chùa Kim Tiền (Dương Xuân ở Huế) tới cuối đời với danh nghĩa thờ chồng nuôi con. Ngọc Hân qua đời khi mới 29 tuổi.
Nguyên Phi Ỷ Lan
Cho đến nay, tên thật của Nguyên Phi Ỷ Lan vẫn chưa được xác định rõ. Có sách ghi chép lại rằng bà tên thật là Lê Thị Yến, có sách lại ghi tên Lê Thị Yến Loan. Đến cuốn Đại Việt sử ký toàn thư cũng chỉ ghi lại các tên hiệu của bà theo từng thời kỳ như Ỷ Lan phu nhân, thần phi, Nguyên phi, Hoàng thái hậu.
Được biết, Ỷ Lan là vợ của vua Lý Thánh Tông. Sử sách ghi lại, bà là người có công rất lớn trong việc xây dựng nên cơ nghiệp của nhà Lý. Xuất thân từ thôn nữ, cha mẹ mất từ sớm, Ỷ Lan sở hữu nhan sắc xinh đẹp, thông minh. Bà đã lọt vào mắt xanh của vua trong một lần ông ngự giá tới làng mà bà sinh sống.
Vua đã cho mời Ỷ Lan vào cung, cho bà được học hành. Tố chất thông minh hơn người của Ỷ Lan đã được thể hiện rõ trong 2 lần bà thay vua nhiếp chính khi vua Lý mang quân đi đánh giặc.
Vang danh lịch sử, những mỹ nhân tài sắc vẹn toàn cho thấy hình ảnh người phụ nữ thời xưa đã có không ít những công lao to lớn dựng xây đất nước. Họ là những vị anh hùng thầm lặng, dù ở phía sau những người đàn ông đứng đầu một nước nhưng tư chất ngời ngời vẫn được hiện lên rõ nét, khiến người đời kính nể.