Vệ sinh nồi cơm điện thường xuyên sẽ giúp đảm bảo chất lượng của cơm đồng thời giúp kéo dài tuổi thọ của nồi.

Van xả nồi cơm điện

ve-sinh-noi-com-dien-01

Nơi đầu tiên mà bạn cần vệ sinh là van xả của nồi cơm điện. Đây là một trong những nơi bẩn và dễ tích tụ vi khuẩn nhất. Van thoát hơi vừa là nơi hứng bọt cơm trào lên khi nấu, vừa giúp thoát hơi nước. Lâu ngày, vị trí này rất dễ bị cáu bẩn. Vì vậy, bạn cần phải vệ sinh chỗ này thường xuyên.

Tùy theo thiết kế của nồi mà bạn có thể tháo van xả hơi ra để vệ sinh.

Đa số các loại van xả hơi có thể tháo rời nên bạn chỉ cần tháo ra và rửa dưới vòi nước sạch rồi lau khô và lắp lại nồi là được.

Như vậy, nồi sẽ sạch và cơm nấu cũng thơm ngon, lâu bị thiu.

Nắp trong nồi cơm điện

ve-sinh-noi-com-dien-02

Cũng giống như van thoát hơi, nắp bên trong nồi cơm điện cũng có tác dụng ngăn bọt trào ra ngoài trong lúc nấu. Nếu để lâu ngày, chúng sẽ đọng lại các mảng bám bẩn. Khi để ở nhiệt độ cao, thời tiết nóng ẩm, phần cáu bẩn này sẽ bị thiu, mốc, sản sinh ra vi khuẩn làm ảnh hưởng đến cơm.

Phần nắp trong nồi cơm rất dễ nhìn thấy vết bẩn vì vậy bạn chỉ cần thường xuyên tháo chúng ra và rửa sạch, lau khô rồi lắp lại là được.

Ngoài ra, hãy chú ý lau phần gioăng cao su ở phần nắp trong này.

Một số nồi có phần nắp không thể tháo rời thì bạn hãy lấy khăn ẩm lau sạch là được.

Mâm nhiệt

ve-sinh-noi-com-dien-03

Mấm nhiệt là thứ mà rất nhiều người không chú ý khi vệ sinh nồi. Nó là phần đĩa cứng đệm giữa đáy nồi và ruột nồi.

Để đảm bảo độ bền và tránh tiêu tốn nhiều điện năng khi sử dụng nồi, bạn hãy vệ sinh mâm nhiệt thường xuyên. Cách vệ sinh mâm nhiệt như sau:

Chuẩn bị một ít giấm trắng, một miếng mút rửa bát và khăn ướt.

Pha loãng giấm với nước.

Lấy mặt cứng của miếng bọt biển chùi các vết bẩn bám trên mâm nhiệt. Sau khi lau xong, bạn có thể thấm giấm lên mâm nhiệt một lần nữa và giữ nguyên khoảng 10 phút.

Dùng khăn ướt lau sạch bụi bẩn.

Nếu vẫn còn các vết bẩn, bạn hãy lặp lại các bước trên thêm một lần nữa.

Cuối cùng dùng khăn khô để lau lại toàn bộ mâm nhiệt cho sạch và khô ráo.

Chú ý, không nên rửa trực tiếp thân nồi bằng nước; không tự ý tháo và thay đổi linh kiện khi vệ sinh nồi.

Đối với lòng nồi, không nên chà quá mạnh làm xước lớp phủ chống dính.

Bạn có thể tổng vệ sinh nồi như vậy vài lần một tháng để đảm bảo nồi luôn sạch sẽ.