Phở cuốn, phở chua, phở chiên phồng là những món dù không ăn kèm nước lèo, vẫn mang hương vị đặc trưng của phở truyền thống.

Những kiểu phở không nước dùng - 4

Cách làm phở cuốn tương tự các món cuốn Việt Nam, nhưng thay vì dùng bánh tráng, người ta dùng bánh phở để cuốn nhân. Nhờ vậy mà chế biến phở cuốn nhanh hơn do bánh phở mềm và có độ dai nên ít bị rách khi cuốn. Phần nhân thường có thịt bò ướp gia vị xào với giá, cùng rau xà lách, rau thơm. Khi ăn, thực khách chấm phở cuốn với nước mắm loãng, có vị chua của giấm. Ảnh: savourydays

Những kiểu phở

Phở chiên phồng được làm từ bánh phở, chiên ngập trong dầu sao cho phồng rộp lên, giòn giòn nhai vui miệng. Bánh phở dùng để chiên thường là bánh phở cuốn, cắt thành từng miếng hình vuông hoặc hình chữ nhật, chiên vàng hai mặt. Phở ăn kèm thịt bò xào hành tây, cà chua, rau cải kèm chút nước xốt sền sệt. Ảnh: savourydays

Những kiểu phở - 1

Cách chế biến phở áp chảo hơi giống món mì xào giòn của người Hoa, tuy nhiên bánh phở tươi đem áp chảo thành một miếng bánh dẹt, không để rời rạc như sợi mì xào giòn. Tiếp đến, người ta cho thịt bò xào cải, cà rốt bào sợi, cà chua lên trên. Miếng bánh phở giòn rụm béo thơm, quyện nước xốt thịt bò xào đậm đà, hấp dẫn.

Những kiểu phở - 2

Phở chấm là một trong những kiểu phở khá thú vị, được nhiều người yêu thích. Thay vì ăn phở ngập trong nước lèo, người ta phục vụ đĩa phở tươi và thịt gà riêng, kèm rau thơm, muối tiêu chanh. Khi ăn, thực khách nhúng sợi phở và thịt gà vào chén nước chấm pha sẵn, cũng là ‘linh hồn’ của món ăn. Nước chấm thường được chế biến từ nước mắm, giấm, đường. Thực khách gia giảm giấm tỏi, chanh, ớt để tạo độ mặn, ngọt, chua, cay tùy khẩu vị.

Những kiểu phở - 3

Phở trộn là gợi ý không tồi khi bạn muốn đổi bữa và chán những món phở nước. Điểm nhấn của món phở là nước xốt sánh sệt, đậm đà ăn với thịt gà, bánh phở. Topping không thể thiếu đậu phộng rang và hành phi dậy mùi thơm. Khi ăn, thực khách trộn các thành phần lên, rưới thêm chút nước tương là chuẩn. Món này phải ăn ngay vì nếu để lâu, sợi phở dễ bị mặn.

[Caption]Tiệm phở chua nằm sâu trong hẻm trên đường Nguyễn Thiện Thuật do một người phụ nữ gốc Lạng Sơn mở, suốt mấy chục năm nay vị vẫn không thay đổi nên có khá nhiều khách quen. Tô phở trông có vẻ ít nhưng vừa đủ cho một người lớn ăn no. Sợi phở mềm như sợi mì cán mỏng, ăn chung với rau muống bào sợi, thịt gà, lòng gà rồi rưới một lớp nước sốt gia truyền đặc sánh lên trên. Thêm tép hành, sa tế, da lợn, bánh phồng và một ít rau thơm là chuẩn vị. Chén nước súp nấu từ nước luộc gà có lớp váng mỡ nhưng vị lại thanh, không quá béo, thêm ngò thơm là hết ý. Một tô có giá 50.000 đồng, bên cạnh những món khác như bánh giò, cháo sườn, gỏi gà ăn cũng khá ổn. Quán bán từ 15h đến 20h30 nhưng thường hết sớm và luôn đông khách.

Phở chua Lạng Sơn có thành phần hơi giống phở trộn nhưng hương vị hoàn toàn khác. Nước xốt đóng vai trò quan trọng nhất trong bát phở. Có nhiều hương vị nước xốt khác nhau bởi mỗi quán có một công thức riêng. Có nơi tạo vị chua từ nước xốt me, có nơi dùng nước muối dưa hoặc từ cà chua, giấm ăn. Tuy nhiên, chúng đều chung đặc điểm là rất sệt và vị chua nhẹ. Rau ăn kèm có đu đủ ngâm chua, rau muống bào sợi, rau thơm. Thịt gà, lòng gà và bánh phồng giúp tô phở đầy đặn, hấp dẫn. Món này ăn kèm nước súp nấu từ nước luộc gà, vị thanh, không quá béo.

Theo Diệp Tử (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link