Cải xoăn, cải rổ và cải bẹ xanh chứa nhiều loại thuốc trừ sâu nhất, theo danh sách Dirty Dozen lập bởi Nhóm Công tác Môi trường Mỹ.
12 loại rau củ quả chứa nhiều thuốc trừ sâu nhất năm 2023 (Dirty Dozen)
Những mặt hàng này đã được kết luận là có chứa lượng thuốc trừ sâu còn sót lại cao khi được trồng theo cách thông thường. Cân nhắc mua các lựa chọn hữu cơ khi có thể, đặc biệt nếu bạn tiêu thụ chúng thường xuyên.
– Dâu tây
– Rau chân vịt
– Cải xoăn, cải rổ (cải làn) và cải bẹ xanh
– Trái đào
– Lê
– Xuân đào
– Táo
– Quả nho
– Ớt chuông & ớt cay
– Anh đào
– Quả việt quất
– Đậu xanh
Kết quả này dựa trên nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vào năm nay. Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích dữ liệu thử nghiệm trên 46.569 mẫu của 46 loại trái cây và rau củ. Họ sẽ rửa, gọt vỏ hoặc chà rửa trái cây, rau quả như người tiêu dùng trước khi kiểm tra thực phẩm với 251 loại thuốc trừ sâu khác nhau.
Sau đó, Nhóm Công tác Môi trường Mỹ dựa theo kết quả này phát hành danh sách Dirty Dozen và Clean Fifteen, là hai bảng xếp hạng làm sáng tỏ loại trái cây và rau quả nào có tỷ lệ ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu cao nhất và thấp nhất cho từng năm.
Báo cáo cho biết có tổng cộng 210 loại thuốc trừ sâu được tìm thấy trên 12 loại thực phẩm. Cải xoăn, cải rổ và cải bẹ xanh chứa nhiều loại thuốc trừ sâu nhất, gồm 103 loại, tiếp theo là ớt cay và ớt chuông với 101 loại. Báo cáo nêu: “Một số xét nghiệm của USDA cho thấy dấu vết của thuốc trừ sâu đã bị Cơ quan Bảo vệ Môi trường cấm từ lâu”.
Houlihan, hiện là giám đốc nghiên cứu của tổ chức Healthy Babies, cho biết: “Thuốc trừ sâu nhằm mục đích gây hại cho các sinh vật sống và độc tính này có tác động đối với sức khỏe của trẻ em, bao gồm nguy cơ rối loạn chức năng hormone, ung thư, gây hại cho não và hệ thần kinh đang phát triển”.
15 loại rau củ quả ít thuốc trừ sâu nhất năm 2023 (Clean Fifteen)
Những loại thực phẩm này ít hoặc không có thuốc trừ sâu/chất độc và thường được coi là an toàn để tiêu thụ ở dạng phi hữu cơ.
– Cà rốt
– Dưa hấu
– Khoai lang
– Xoài
– Nấm
– Bắp cải
– Quả kiwi
– Dưa bở ruột xanh
– Măng tây
– Hương đậu (đông lạnh)
– Đu đủ
– Hành
– Quả dứa
– Bắp ngọt
– Bơ
Báo cáo cũng cho biết người tiêu dùng có thể cân nhắc lựa chọn các loại rau và trái cây được trồng theo cách truyền thống, sử dụng hàm lượng thuốc trừ sâu thấp nhất. Gần 65% thực phẩm trong danh sách không có nồng độ thuốc trừ sâu có thể phát hiện được.
Bơ đứng đầu danh sách các sản phẩm ít bị ô nhiễm nhất năm 2023, tiếp theo là ngô ngọt. Dứa, hành tây, đu đủ, hương đậu đông lạnh, măng tây, dưa mật, kiwi, bắp cải, nấm, xoài, khoai lang, dưa hấu và cà rốt là những thực phẩm còn lại trong danh sách.
Các chuyên gia cho biết việc tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm không có thuốc trừ sâu đặc biệt quan trọng trong thời kỳ mang thai và suốt thời thơ ấu. Trẻ em đang phát triển cần các chất dinh dưỡng kết hợp nhưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi những chất gây ô nhiễm như thuốc trừ sâu.
“Phơi nhiễm thuốc trừ sâu khi mang thai có thể dẫn đến tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, nhẹ cân và tử vong ở thai nhi”, Học viện Nhi khoa Mỹ lưu ý.
CDC Mỹ cho biết liều cao các hóa chất này có thể gây khó thở, buồn nôn, nhịp tim thấp hơn, nôn mửa, suy nhược, tê liệt và co giật. Nếu tiếp xúc với lượng nhỏ hơn trong một thời gian dài, mọi người có thể “cảm thấy mệt mỏi hoặc yếu ớt, cáu kỉnh, chán nản hoặc hay quên”.
Sự lựa chọn thay thế
Các chuyên gia cho biết nhiều loại trái cây và rau có hàm lượng thuốc trừ sâu cao đóng vai trò rất quan trọng đối với chế độ ăn uống cân bằng, vì vậy đừng loại bỏ chúng hoàn toàn. Thay vào đó, hãy tránh hầu hết các loại thuốc trừ sâu bằng cách chọn ăn phiên bản hữu cơ của những cây trồng bị ô nhiễm nhất. Mặc dù thực phẩm hữu cơ không bổ dưỡng hơn, chúng phần lớn không có dư lượng thuốc trừ sâu.
Nếu một người chuyển sang chế độ ăn uống hữu cơ, nồng độ thuốc trừ sâu trong nước tiểu của họ sẽ giảm nhanh chóng. Trong trường hợp rau củ quả hữu cơ không có sẵn hoặc quá đắt, bạn nên gọt vỏ và rửa kỹ bằng nước.
Các mẹo bổ sung về cách rửa rau củ quả, do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cung cấp, bao gồm:
– Rửa tay bằng nước ấm và xà phòng trong 20 giây trước và sau khi sơ chế sản phẩm tươi sống.
– Rửa sạch sản phẩm trước khi gọt vỏ để chất bẩn và vi khuẩn không chuyển từ dao sang trái cây hoặc rau củ.
– Sử dụng bàn chải sạch để chà các sản phẩm cứng như táo và dưa.
– Làm khô sản phẩm bằng vải sạch hoặc khăn giấy để giảm thêm vi khuẩn có thể có.
Theo Hằng Trần (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H