Trên các hội nhóm của người Việt tại Mỹ, măng cụt xanh được rao bán giá hơn 120 USD (khoảng 2,8 triệu đồng) một kg để làm gỏi gà.
Gần đây, gỏi gà măng cụt “gây sốt” tại Việt Nam, nhận sự chú ý của nhiều người trên các hội nhóm nấu ăn, du lịch trong nước. Món ăn được nấu từ hai nguyên liệu chính: thịt gà và măng cụt. Đây là loại măng cụt chưa chín, vỏ màu xanh, thịt giòn, không ngọt như quả chín tím. Sau khi “làm mưa làm gió” ở thị trường trong nước, khiến giá măng cụt sống cao hơn cả măng cụt chín, món này cũng khá được quan tâm trong cộng đồng người Việt tại Mỹ. Mới đây, một người chuyên bán món Việt ở thành phố Houston (Texas, Mỹ) rao măng cụt xanh gọt sẵn giá 182 USD cho 3,3 lbs (khoảng 4,2 triệu đồng cho 1,5 kg).
Dù giá không rẻ, nhiều người vẫn đặt mua để ăn cho biết vì gần như không thể tìm được măng cụt xanh trong các siêu thị tại Mỹ. Song song đó, nhiều người e ngại giá quá cao. Chị Hồng Hạnh (Texas) nói: “Tuy tò mò vị gỏi gà măng cụt, ‘trend’ (xu hướng) này tôi ‘đu’ không nổi”.
Theo lời người bán ở Mỹ, đây là măng cụt xanh mang từ Việt Nam sang, không phải hàng ướp lạnh. Măng cụt gọt vỏ sẵn, cho vào túi hút chân không, bảo quản trong đá lạnh để giữ màu trắng, tươi. Khi nhận hàng, thực khách chỉ việc chế biến gỏi hoặc chấm muối ăn tùy ý.
Trong khi đó, một số người Việt tại Canada cũng bán măng cụt xanh lấy từ Lái Thiêu (Bình Dương), loại chưa gọt vỏ giá 25 USD (khoảng 590.000 đồng) một kg và 60 USD (khoảng 1,4 triệu đồng) một kg măng cụt xanh đã gọt vỏ. Người mua phải đặt hàng trước mới có.
Thực chất, món này đã có từ lâu và khá phổ biến vào mùa hè – thời điểm thu hoạch măng cụt – ở Bình Dương. Đến mùa, thông thường nhà vườn sẽ chọn trái màu xanh lúc đang chuyển dần sang tím, dân địa phương gọi là “măng điểm”, hái để khi giao hàng đi xa, quả sẽ chín tới. Tuy nhiên, đôi lúc người hái nhầm măng cụt xanh non. Loại quả này sau khi hái xuống sẽ không thể chín, lại không thích hợp ăn sống do vị “nhạt toẹt như ổi non”, nên người ta nghĩ ra cách làm gỏi gà nhằm tránh lãng phí. Lâu dần, nó trở thành đặc sản trong thực đơn các quán ăn miệt vườn tại Bình Dương, chỉ bán vào khoảng từ giữa tháng 4 đến hết tháng 6 hàng năm.
Trong số nguyên nhân khiến món này trở nên đắt đỏ là cách sơ chế măng cụt xanh khá công phu và phần thịt măng cụt thu được ít. Vỏ măng cụt xanh cứng, khó lột hơn so với quả chín, đồng thời chảy nhiều mủ vàng, dễ bám quần áo. Măng cụt gọt xong phải bảo quản kỹ vì để lâu sẽ bị đen, mềm, mất độ giòn. Trên mạng xã hội, nhiều người gợi ý mẹo gọt măng cụt xanh cho những ai muốn chế biến gỏi gà tại nhà.
Tiết kiệm thời gian nhất, bạn để trái măng cụt dưới vòi nước chảy liên tục, dùng dao bén gọt vỏ bên ngoài. Sau khi gọt hết vỏ, bạn cho ngay măng cụt vào thau nước pha sẵn muối, giấm và chanh giúp giữ màu trắng của quả. Ước tính một kg măng cụt xanh gọt vỏ xong thu được khoảng 250 gram thịt măng cụt, tùy vỏ dày hay mỏng mà lượng thịt thu được nhiều hoặc ít hơn.
Trộn gỏi gà măng cụt tương tự các món gỏi gà khác. Bạn luộc thịt gà, xé, trộn gia vị. Sau cùng cho măng cụt xắt lát vào, thêm rau tùy thích, hợp chấm nước mắm ớt tỏi chua ngọt hoặc muối tiêu chanh. Lý tưởng nhất là bạn nên chọn quả măng cụt gần chín để có chút vị chua ngọt, quả quá sống sẽ nhạt.
Ở Sài Gòn, hiện măng cụt xanh chưa gọt vỏ giá dao động 80.000 – 130.000 đồng một kg, tùy loại. Măng cụt xanh đã gọt vỏ giá từ 350.000 đồng đến 550.000 đồng một kg, khá khó kiếm vì “đang trend”. Các loại măng cụt chín giá rẻ hơn. Măng cụt Thái Lan khoảng 100.000 đồng một kg, còn măng cụt Lái Thiêu khoảng 120.000 đồng một kg.
Theo Vi Yến (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H